Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh BD Nguyễn Đình Khánh thăm hỏi công nhân có hoàn cảnh khó khăn
Làm công nhân 20 năm vẫn ở trọ
Học hết 12, anh Tiến theo bạn bè vào Nam lập nghiệp, hồi đó phong trào "Nam tiến” tại quê anh rất rầm rộ, thanh niên học xong cấp III, chỉ có những gia đình có điều kiện lắm thì mới cho con đi thi Đại học, còn đa phần đều phải đi làm công nhân để phụ giúp cha mẹ. Tại đây, anh Tiến xin vào làm công nhân tại một công ty may mặc ở KCN Sóng Thần 2, rồi anh bén duyên với chị Nguyễn Thị Nhung (quê Hà Tĩnh). Họ làm đám cưới nho nhỏ tại một nhà hàng trong KCN, rồi mời bạn bè cùng xưởng, cùng xóm trọ và anh em đồng hương chứng kiến. Năm 2015, anh chị sinh con gái đầu lòng, cũng là thời điểm bắt đầu những chuỗi ngày khó khăn của đôi vợ chồng trẻ. Không có người trông con vì hai bên nội ngoại ở quê phải lo việc đồng áng, chị Nhung phải ở nhà chăm con, một tay anh Tiến lo cho cả nhà, lúc này đồng lương rất thấp, có những tháng đi đám cưới nhiều là anh chị phải vay mượn tạm bạn bè. Anh Tiến kể, có thời điểm khó khăn đến mức anh chị phải bán nhẫn cưới để trả tiền phòng trọ, rồi tranh thủ mua mấy bao gạo để dành đó.
Nhiều người hỏi anh Tiến: "Sao vào Bình Dương đã gần 20 năm đi làm miệt mài mà vẫn ở trọ, không tích góp được tiền để mua nhà?” anh Tiến rầu rĩ trả lời lại: "Lúc mình mới vào lập nghiệp còn trăm bề khó khăn, xoay đủ ăn, đủ trả tiền phòng trọ mỗi ngày cũng đã đuối lắm rồi. Những năm trở lại đây, lương kha khá, bắt đầu có dư chút thì ba mẹ cũng đã già không làm được việc đồng áng nên mình lo gửi tiền về phụ”.
Đó cũng là tình cảnh chung của rất nhiều công nhân hiện nay, còn không ít người 3- 4 thành viên trong gia đình dù đã vào Bình Dương làm việc trên 10 năm, mà nay vẫn sống trong căn phòng trọ chật hẹp chưa đến 10m2.
Nguồn thu một phần nhờ miệt mài tăng ca
Khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam tại 17 tỉnh, thành cho kết quả hơn 51% người lao động có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống; hơn 20% phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12% thu nhập không đủ sống và chỉ 16% có thể có tích lũy. Nếu chỉ có tiền lương cơ bản chắc chắn công nhân khó sống nổi, nói chi đến tích lũy. Thực tế ngoài tiền lương cơ bản, NLĐ còn nhận được tiền làm thêm giờ và các khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác từ doanh nghiệp như tiền chuyên cần, tiền nhà ở, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp độc hại, tiền hỗ trợ đời sống, tiền hỗ trợ nuôi con nhỏ... Trung bình các khoản thu nhập ngoài lương cơ bản (không kể tăng ca) chiếm khoảng 15% tổng thu nhập của NLĐ, tức là tiền lương cơ bản chiếm khoảng 85% thu nhập. Như vậy, cuộc sống NLĐ còn vô vàn khó khăn. Để giải quyết khó khăn, NLĐ chỉ còn cách…miệt mài tăng ca. Nhiều CNLĐ tâm sự rằng, họ đi làm từ sáng sớm khi mặt trời chưa mọc, tối về nhà khi đèn đường đã sáng trưng, có bạn lại nói vui rằng cả tuần không biết ánh nắng mặt trời là gì. Chuyện vui nhưng cười ra nước mắt, bởi cứ tiếp diễn ngày qua ngày như vậy, NLĐ sẽ suy kiệt sức khỏe, chưa kể đến việc không chăm sóc con cái đàng hoàng hay được vui chơi giải trí sau giờ làm.
Chị Lê Thị Tâm, công nhân một công ty may bao bì trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương chia sẻ, mỗi ngày chị làm 12 tiếng, chỉ trừ những hôm đơn hàng ít chị mới làm 8 tiếng, vì chạy theo sản lượng nên cứ vào tới công ty là chị cắm cúi làm và làm, không dám đi vệ sinh, thậm chí ăn cơm trưa cũng thật vội vàng để vào làm tiếp, chị bảo, đã trở thành thói quen nên không cảm thấy khổ hay vất vả gì cả. Thế nhưng, dù "cày” cật lực như vậy, mỗi tháng thu nhập của chị cũng chỉ khoảng 7- 8 triệu.
Tăng thu nhập cho công nhân là chính đáng
Trong những lần xuống các doanh nghiệp, khi ngồi nói chuyện với chủ tịch CĐCS nơi đây, giữa chúng tôi có sự đồng cảm và thấu hiểu được cuộc sống của CNLĐ. Anh Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch CĐCS Cty TNHH Shyang Hung Cheng chia sẻ, anh rất thương NLĐ, mỗi ngày anh đều xuống xưởng hỏi thăm về tình hình của mọi người như thế nào. Trong thời gian làm công đoàn anh đã làm được rất nhiều việc cho đoàn viên, NLĐ của mình. Có những bạn kể với anh rằng, mỗi tháng nhận lương xong nào là trả tiền phòng trọ, đóng tiền học, mua sữa cho con, rồi cả tiền trả góp... không tài nào đủ, chứ đừng nói đến dư giả. Một cán bộ CĐCS khác kể, nhiều lần anh tiếp nhận được các cuộc gọi từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính xem NLĐ đó còn làm việc ở công ty hay không để họ hoàn tất thủ tục cho vay mua hàng trả góp. Điều đó cho thấy cuộc sống NLĐ vẫn còn thiếu thốn, họ không có tích lũy nên khi cần thì không còn cách nào khác là phải đi mua hàng trả góp. Ngày lại ngày, người công nhân vẫn miệt mài bên ánh đèn nhà xưởng, hầu hết họ suy nghĩ rất đơn giản là đi làm là để trang trải cuộc sống, thế thôi.
Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh để phát triển đất nước trước hết cần giải quyết tốt vấn đề việc làm và chăm lo đời sống cho NLĐ. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực vươn lên của bản thân mỗi công nhân, sự tham gia tích cực của NSDLĐ; trong đó sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước có vai trò quyết định, công đoàn đóng vai trò quan trọng, trực tiếp chăm lo, nâng cao hơn đời sống vật chất- tinh thần cho công nhân lao động.
Thảo Nguyên/laodongbinhduong.org.vn