Đường Tăng dựa vào đâu được làm lãnh đạo, cuối cùng tôi cũng đã hiểu
Xem "Tây Du Kí”, tôi luôn có một câu hỏi, Đường Tăng bất tài như vậy, tại sao Tôn Ngộ Không cứ phải phò Đường Tăng đi lấy kinh? Nếu Tôn Ngộ Không tự mình đi lấy kinh thì chẳng phải sẽ đỡ rắc rối hơn ư? Sau này, khi lớn lên, khi đi làm, đầu tiên là bị người khác lãnh đạo, sau này lãnh đạo người khác, tôi cũng coi như hiểu ra, thì ra Đường Tăng lãnh đạo Tôn Ngộ Không là có cái lý của nó. Nếu không như vậy, sự nghiệp lấy kinh vĩ đại kia sẽ không thể thành công.
Chính xác thì Đường Tăng có những gì mà Tôn Ngộ Không không có? Yếu tố nào khiến Đường Tăng được làm lãnh đạo còn Tôn Ngộ Không lại chỉ là một nhân viên?
1. Niềm tin siêu phàm
Điều đầu tiên, thứ mà Đường Tăng có còn Tôn Ngộ Không không có, đó là "niềm tin siêu phàm". Trước niềm tin cao cả của mình, Đường Tăng dù có mất đi sinh mạng cũng sẽ không chớp mắt, nhưng Tôn Ngộ Không lại không thể, dù rất có năng lực, nhưng Tôn Ngộ Không lại không có niềm tin vững chắc, thậm chí đã rút lui nhiều lần.
Những người không có niềm tin sẽ không thể tạo niềm tin cho người khác, họ không thể tạo động lực cho người khác và cũng sẽ dễ dàng rút lui nếu gặp khó khăn. Lãnh đạo rụt rè, rút lui thì cả nhóm sẽ bị phân tán.
Niềm tin không đủ "siêu phàm", sống ích kỷ tư lợi, dễ thỏa mãn, không có chí tiến thủ sẽ chỉ khiến người khác rời bỏ bạn mà đi. So sánh với nhân vật Tống Giang trong "Thủy Hử", một người không có "niềm tin siêu phàm", cuối cùng quyết định chiêu an, kết quả là hủy hoại cả đoàn đội của mình.
2. Bất tài
Điều thứ hai, thứ Đường Tăng có còn Tôn Ngộ Không không có, đó là "sự bất tài". "Bất tài" cũng là một cái vốn của người lãnh đạo! Bởi vì Đường Tăng "bất tài", nên Đường Tăng đánh giá cao những người có năng lực, có thể bao dung khuyết điểm của "người tài". Nếu Đường Tăng là một người thần thông quảng đại, với tính cách của mình, Tôn Ngộ Không nhất định không sẵn lòng đi theo phò tá Đường Tăng. Chính vì sự "bất tài” của Đường Tăng mà Tôn Ngộ Không có đất dụng võ, có cơ hội thể hiện giá trị của chính mình trên đường đi lấy kinh.
Hãy cùng xem xem Tôn Ngộ Không thần thông quảng đại. Đồ đệ ở Hoa Quả Sơn của Tề thiên đại thánh đều là một nhóm vô dụng, không có lấy một người hữu dụng. Vì sao? Bởi lẽ Tôn Ngộ Không quá bản lĩnh, nhìn không lọt những người có bản lĩnh khác, những người có bản lĩnh cũng không thích đi theo Tôn Ngộ Không. Tôn Ngộ Không quá mạnh nên đoàn đội Hoa Quả Sơn tất cả đều chỉ là một "thùng cơm" không hơn không kém.
Trong "Tây du kí" có một chương viết rằng Tôn Ngộ Không và Đường Tăng cãi nhau, Tôn Ngộ Không quay trở về Hoa Quả Sơn lập ra một đoàn đội giả, may mà chưa đi, nếu không trên đường gặp phải yêu quái, ai sẽ đi cứu Tôn Ngộ Không? Ai đi gọi cứu viện? Đoàn đội của Tôn Ngộ Không căn bản toàn người vô dụng, đến khi đó sẽ chỉ có thể nhìn lãnh đạo nộp mạng.
Năm đó, Tư Mã Ý bắt giữ một vài tên lính quèn của Thục Quốc để hỏi Gia Cát Lượng làm gì mỗi ngày, những người lính đó nghĩ rằng đây không phải là tình báo, nói rằng Gia Cát Lượng một ngày ăn rất ít cơm, đến việc nhỏ nhặt như phạt lính 20 gậy cũng phải tự mình giám sát, điều này khiến Tư Mã Ý đoán ra được rằng Gia Cát Lượng chắc chắn sẽ sớm kiệt sức. Người lãnh đạo quá có tài, kẻ thù chưa đến, bản thân đã tự mình kiệt sức, còn Đường Tăng, một lãnh đạo "bất tài” lại vẫn có thể an toàn.
Khi mới khởi nghiệp, để tồn tại, có một ông chủ vô cùng có năng lực là điều bắt buộc. Nhưng một khi vấn đề sống còn đã được giải quyết, các doanh nhân nên xem xét cách xây dựng một sân chơi để nhân viên được phát huy giá trị của chính họ, đồng thời tìm ra những nhân viên có thể bổ sung cho những thiếu sót của mình, thay vì việc gì cũng đích thân nhúng tay, thậm chí trong một vài vấn đề chuyên môn, không biết gì vẫn phải giả vờ tỏ ra mình biết, làm như vậy, một mặt tự khiến mình mệt mỏi, mệt mỏi giả vờ, mệt mỏi đối phó, mặt khác khiến nhân viên không có cơ hội phát huy, doanh nghiệp dễ rơi vào bế tắc.
3. Nhân đức
Điều thứ ba, thứ Đường Tăng có còn Tôn Ngộ Không không có, đó là nhân đức. Đến yêu quái, Đường Tăng còn nhân từ chứ đừng nói đến đồ đệ của mình. Mặc dù mục đích của việc có ba đồ đệ chỉ là để bảo vệ mình nhưng Đường Tăng không hề lợi dụng họ, mà đã dẫn dắt họ cùng nhau làm việc, cùng nhau phát triển và cùng nhau thành công. Cuối cùng, ba đồ đệ của Đường Tăng cũng có những thành tích của riêng mình.
Một công ty ở Nhật Bản đã cho mời cha của các nhân viên đến công ty để nói chuyện với các quản lý. Chủ doanh nghiệp nói với tất cả các quản lý rằng khi bạn không biết cách đối xử với cấp dưới, hãy nghĩ về ngày hôm nay, nghĩ về việc cha của họ giao con mình cho bạn với hy vọng bạn có thể dạy chúng phát triển và đưa chúng đến thành công, bạn phải suy nghĩ xem mình có xứng đáng với sự giao phó đó hay không.
4. Quan hệ xã hội
Điều thứ tư, thứ Đường Tăng có mà Tôn Ngộ Không không có, đó là quan hệ xã hội. Tiền thân của Đường Tăng là đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni, còn Tôn Ngộ Không lại chỉ là một con khỉ đá, dù đã bái một vị sư phụ nhưng quan hệ với các sư huynh đệ lại không tốt, bị sư phụ đuổi đi; kết nghĩa huynh đệ với Ngưu Ma Vương cuối cùng cũng đổ bể; là hàng xóm với Đông Hải Long Vương nhưng lại cướp đồ của người ta; là đồng nghiệp với Nhị Lang thần và các quan thiên đình khác nhưng lại không giữ thể diện cho người ta, sau này còn đại náo thiên cung, đắc tội với không biết bao nhiêu người. Nói chung, quan hệ xã hội của Tôn Ngộ Không vô cùng không tốt.
Đường Tăng thì lại khác, nhìn thấy thần tiên lập tức hành lễ, không có bất cứ một kẻ thù nào. Không những là đệ tử nhà Phật mà còn là huynh đệ của Lý Thế Dân, quan hệ với toàn nhân vật cấp cao, người như vậy làm ông chủ, tất nhiên sẽ thuận buồm xuôi gió.
Xã hội được hình thành từ con người. Nếu không có sự tồn tại của con người, tất cả sự giàu có và mọi thứ vật chất đều không có ý nghĩa. Con người là tài nguyên thiết yếu nhất và là nguồn tạo ra tất cả sự giàu có. Một ông chủ, nếu biết cách tạo ra các mối quan hệ xã hội bên ngoài, đồng thời xây dựng một đội ngũ nhân viên ưu tú bên trong, nhất định sẽ là một ông chủ thành công.
Tổng kết:
Đường Tăng hơn Tôn Ngộ Không ở đâu? Đó là Đường Tăng có một niềm tin cao cả, bất tài nhưng biết cách dùng người, nhân từ và có mối quan hệ xã hội tốt. Vì vậy, Đường Tăng có thể làm lãnh đạo, có thể dẫn dắt Tôn Ngộ Không, còn Tôn Ngộ Không, mặc dù là một anh hùng trong lòng chúng ta nhưng kiểu người như Mỹ Hầu Vương sẽ không bao giờ làm nên được việc lớn mà bắt buộc phải dựa vào một lãnh đạo như Đường Tăng. Nếu nhìn từ góc độ này, Đường Tăng mới là anh hùng thực sự.
Tổng số truy cập: 387736699