Pháp Luật - Đầu Tư

Huyện Bàu Bàng (Bình Dương): Chủ động làm tốt công tác phòng, chống dịch SXH

   

Hiện nay dịch sốt xuất huyết (SXH) đang bùng phát trên diện rộng cả nước. Bình Dương là nơi có đông lực lượng lao động nhập cư, nên công tác phòng chống dịch bệnh SXH và các loại bệnh truyền nhiễm ít nhiều cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng cũng chính vì vậy mà công tác phòng, chống cũng luôn được lãnh đạo các cấp chú trọng.

 

Để hiểu rõ hơn về công tác luôn chủ động phòng chống các loại dịch bệnh trong đó có bệnh SXH, phóng viên baodansinh.vn vừa có cuộc trao đổi nhanh với bác sĩ Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng, nơi được đánh giá là làm tốt công tác này:

Huyện Bàu Bàng (Bình Dương): Chủ động làm tốt công tác phòng, chống dịch SXH - Ảnh 1

                                                                                                 Bác sĩ Nguyễn Hồng Thái 

Thưa Bác sĩ, được biết Bàu Bàng là huyện mới nơi tập chung khá đông lực lượng công nhân lao động, trong khi dịch bệnh SXH lại đang bùng phát khá nhanh ở nhiều địa phương trong cả nước. Bác sĩ có thể cho biết Bàu Bàng đã đối ứng như thế nào với loại dịch bệnh này?

Để làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh nói chung dịch bệnh SXH nói riêng thì lực lượng y, bác sĩ của huyện luôn sẵn sàng trong tư thế chủ động. Ngay từ đầu năm chúng tôi đã cho triển khai, thành lập ban chỉ đạo (BCĐ) phòng chống SXH và bệnh tay chân miệng (TCM). Thường xuyên phát động chiến dịch tổng vệ sinh môi trường.

Xuất phát từ tình hình thực tế phòng bệnh hơn chữa bệnh, Trung tâm Y tế luôn chủ động tham mưu và có kế hoạch hoạt động từ đầu năm vào khoảng tháng 6 và tháng 8, BCĐ ở các xã và mạng lưới cộng tác viên về Y tế đã đi đến từng nhà tuyên truyền các tờ rơi và giải thích cho các hộ dân, người lao động trên địa bàn nếu phát hiện trường hợp có triệu chứng thì khuyên họ đến đúng nơi khám bệnh để được các Bác sĩ khám và tư vấn.

 Xin bác sĩ cho biết cụ thể hơn về những cách làm hay mà huyện Bàu Bàng đã triển khai chặn đứng loại dịch bệnh này?

Để thực hiện thành công chiến dịch ngăn chặn bệnh SXH, Trung tâm đã nhận được sự chỉ đạo sát sao của đồng chí Võ Thành Giàu, Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban chỉ đạo cùng sự đồng tình hưởng ứng rất nhiệt tình của các tổ chức và mạng lưới cộng tác viên về Y tế ở các xã trong huyện.

Trung tâm đã xây dựng được hơn 160 nhóm vãng gia, với  700 người tham gia vãng gia, gồm: Ban ngành đoàn thể, nhân viên y tế ấp, cộng tác viên các chương trình, đoàn viên thanh niên và học sinh làm nhiệm vụ đến từng hộ gia đình tuyên truyền, phát tờ rơi, hướng dẫn các biện pháp diệt lăng quăng, kiểm tra các dụng cụ chứa nước và cùng người dân dẹp bỏ các vật dụng phế thải đọng nước. Hướng dẫn các gia đình cách vệ sinh chăm sóc trẻ em.

Tổ chức 7 lớp hướng dẫn vãng gia và kiến thức cơ bản về phòng, chống bệnh SXH, TCM cho người tham gia vãng gia, ban ngành đoàn thể, phân công lực lượng vãng gia phụ trách từng khu vực theo đơn vị tổ, ấp.

Lễ ra quân được tổ chức đồng bộ, tuyên truyền trên Đài Truyền thanh huyện và xã phát ngày 3 lần/ ngày. 43 băng rôn được treo ở 43 ấp, khu phố của 7 xã trên địa bàn.

Phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Lao động huyện các khu công nghiệp và các công đoàn cơ sở, các Cty, xí nghiệp tích cực ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, khai thông cống rãnh tạo môi trường thông thoáng phòng chống SXH.

Bác sĩ có dự báo như thế nào về dịch SXH ở địa phương trong thời gian tới ?

Hiện giờ đang là mùa mưa, chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận khoảng 29.000 trường hợp mắc bệnh SXH và đã có 18 trường hợp đã tử vong. Dịch bệnh SXH lại đang xảy ra trên diện rộng ở nhiều nơi đã có 50 tỉnh, thành phố trong cả nước có các trường hợp mắc bệnh. Chính vì thế, ở huyện Bàu Bàng người dân cũng như các công nhân lao động (CNLĐ) trên địa bàn càng phải nâng cao ý thức phòng tránh không được chủ quan. Bởi tình hình SXH trong thời gian tới có thể sẽ diễn ra nếu người dân và CNLĐ không tự ý thức chủ động bảo vệ mình.

Để người dân hiểu và nhận biết được triệu chứng dấu hiệu của loại dịch bệnh SXH, Bác sĩ có những lưu ý gì ?

Người dân và CNLĐ không được phép chủ quan lơ là đối với loại dịch bệnh này. Bệnh này trước đây chỉ xảy ra với trẻ nhỏ, nhưng đến nay thì nhiều người lớn cũng bị SXH.

Dấu hiệu của loại bệnh SXH là sốt cao, sốt đột ngột và liên tục có thể lên đến 39 đến 40 độ c. Khi uống thuốc thì nó sẽ giảm từ 3 đến 4 tiếng, sau đó lại tiếp tục tái phát và tăng nặng. Một vấn đề đáng lưu ý là nhiều phụ huynh tự mua thuốc cho con uống ở các tiệm thuốc tây mà không đưa con đến khám ở các cơ sở y tế. Bệnh SXH nặng sẽ gây tổn thương gan, suy gan cấp trong khi đó, nhiều phụ huynh thấy con sốt nên nóng ruột cho con uống thuốc hạ sốt quá liều. Các liều thuốc hạ sốt đều cần uống cách nhau khoảng 6 tiếng chứ không được lạm dụng. Không nên tự ý mua thuốc cho con, không cho uống thuốc hạ sốt quá liều. Khi sốt cao 1 - 2 ngày, uống thuốc không hạ sốt phải nhanh chóng nhập viện điều trị.

Khuyến cáo người dân nếu bị SXH hay có triệu chứng thì cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế gần nhất để làm xét nghiệm. Tránh trường hợp tự ý truyền nước biển, bệnh sốt này rất rễ tử vong, nên nếu bị SXH thì cần phải đi khám ngay. Tôi cũng đã khuyến cáo các y, bác sĩ của các tuyến xã và các phòng khám tư nhân nếu nghi ngờ thì phải giới thiệu chuyển viện cho bệnh nhân lên tuyến trên ngay để được làm các xét nghiệm cần thiết tránh các trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.

Tự Ba/Báo Lao động và Xã hội

http://baodansinh.vn/huyen-bau-bang-binh-duong-chu-dong-lam-tot-cong-tac-phong-chong-dich-sxh-d15987.html

Các tin tức khác
Hoc tap Bac
mua xuan
law
lawww
HOANG THANH
Tin xem nhiều
Thống kê truy cập
Đang online: 32
Tổng số truy cập: 387737376