Nghị định 15 là cú hích thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất thực phẩm |
Ngày 2/2/2018 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Theo đó, Nghị định 15 đã cắt giảm nhiều thủ tục đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nhằm tạo hành lang thông thoáng và điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Đây là đánh giá của các chuyên gia tại "Hội nghị phổ biến Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa tổ chức ngày 6/3, tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là hội nghị đặc biệt khi thu hút được sự quan tâm, chú ý của đông đảo doanh nghiệp. Con số 700 doanh nghiệp và 650 câu hỏi gửi đến ban tổ chức nhờ giải đáp đã chứng minh điều đó.
Chia sẻ tại đây, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) (Bộ Y tế) - cho biết, nghị định này sẽ thay đổi cơ bản phương thức quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm. Cụ thể, Nghị định 15 áp dụng phương thức quản lý dựa trên quản trị rủi ro, trong đó, có nhiều quy định mới như tự công bố sản phẩm, quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm...
Hơn thế nữa, nghị định còn trao quyền nhiều hơn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nếu như quy định cũ yêu cầu doanh nghiệp phải xin xác nhận từ cơ quan nhà nước thì nay các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm được tự công bố sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử hoặc niêm yết công khai tại trụ sở của mình và nộp một bản qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Ngay sau khi tự công bố sản phẩm, doanh nghiệp được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm, đồng thời chịu trách nhiệm hoàn toàn về thông tin đã công bố và mức độ an toàn của sản phẩm đó.
Ngoài ra, Bộ Y tế chỉ yêu cầu các doanh nghiệp phải đăng ký bản công bố sản phẩm với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, phụ gia thực phẩm có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định.
Đặc biệt, về quản lý thực phẩm nhập khẩu, nghị định này quy định chỉ kiểm tra xác suất trên lô hàng và hồ sơ thay vì kiểm tra cảm quan như trước. Nhờ vậy, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm rất lớn thủ tục hành chính, không còn đại diện 3 bộ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thường trực ở cửa khẩu mà chỉ có hải quan.
Nhìn nhận cụ thể hơn về khía cạnh này, ông Trần Ngọc Liêm - Phó Giám đốc VCCI chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho rằng, Nghị định 15 đã cắt giảm tới 90% thủ tục hành chính về quản lý an toàn thực phẩm. Qua đó, cắt giảm hàng triệu ngày công, hàng nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Trên thực tế, chỉ 2% số vụ thanh tra, kiểm tra chuyên ngành thực phẩm có vi phạm.
Trong khi đó, từ trước tới nay các cơ quan quản lý phải huy động rất nhiều nhân lực và tài chính cho hoạt động thanh tra, kiểm tra. Mặt khác, 72% số thủ tục hải quan thực hiện hiện nay cũng là thủ tục kiểm tra chuyên ngành, khiến thời gian thông quan bị kéo dài. Việc thay đổi phương thức quản lý về kiểm tra chuyên ngành từ tiền kiểm sang hậu kiểm sẽ cắt giảm đáng kể thời gian thông quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu.
Trước lo ngại của nhiều doanh nghiệp về việc nghị định đã có hiệu lực nhưng tại nhiều địa phương, doanh nghiệp vẫn phải làm theo các thủ tục cũ, đại diện Bộ Y tế cho biết, dự kiến ngay ngày 16/3 tới đây, các văn bản hướng dẫn thực hiện nghị định sẽ được ban hành.