Người trẻ Việt có đam mê, năng lực làm quản lý ngành này ở công ty bình thường lương đã không dưới 15.000 USD
Có năng lực, đam mê sẽ rất tốt đi theo con đường này. Hiện giờ tại các công ty bình thường của Việt Nam, không phải công ty quốc tế lương CMO không bao giờ dưới 15.000 USD.
Nghề hot lương cao
"Ở đây còn bạn nào trẻ trẻ có tham vọng marketing thì tới giờ phút này theo Luân thấy cũng là ngành hot về lương. Có năng lực rất tốt đi theo đường này. Hiện giờ tại các công ty bình thường của Việt Nam, không phải công ty quốc tế lương CMO không bao giờ dưới 15.000 USD", ông Nguyễn Bá Gia Luân, quản lý thương hiệu thuộc ngành hàng mì của tập đoàn Masan bật mí trong một hội thảo Marketing hồi đầu năm nay. Ông Luân cũng từng quản lý nhãn hàng Trà Xanh Không Độ, dầu nhớt xe máy Castrol, nước mắm Thuận Phát.
Chia sẻ của chuyên gia marketing này cũng khá tương đồng với những khảo sát về lương từng được công bố. Cụ thể theo Adecco Việt Nam từng công bố năm 2017, vị trí trưởng bộ phận marketing hoặc giám đốc marketing có mức lương trung bình dao động từ 80-120 triệu đồng/tháng. Công việc của người đứng đầu này là lên kế hoạch phát triển marketing, chịu trách nhiệm tổng thể và chiến lược về marketing, các chương trình, chiến dịch phục vụ khách hàng. Thông thường vị trí này đòi hỏi tối thiểu 7 năm kinh nghiệm.
Với vị trí quản lý nhãn hàng, mức lương cũng không hề thấp từ 35-50 triệu đồng/tháng. Công việc của người quản lý nhãn hàng gồm phân tích và quản lý doanh thu, xu hướng thị phần, các yếu tố cạnh tranh, phát triển các thông điệp liên quan đến nhãn hàng tại thị trường Việt Nam. Một vị trí khác có mức lương tương tự và ngày càng được săn đón khi công nghệ phát triển là quản lý digital marketing.
Vị trí có thu nhập thấp nhất trong ngành là nghiên cứu viên marketing, ở mức 12-17 triệu đồng/tháng. Vị trí này chỉ đòi hỏi 2 năm kinh nghiệm với công việc chính là thiết kế ra các phương pháp nghiên cứu như phỏng vấn, hỏi đáp, hỗ trợ nhân viên trong quá trình làm việc, viết báo cáo, phân tích, dịch và thuyết trình kết quả marketing, tư vấn cho khách hàng về kết quả nghiên cứu.
Một CMO sẽ làm những việc gì?
Tất nhiên những tóm tắt của Adecco không thể mô tả hết công việc của một CMO. Để nhận được mức lương cao tới 15.000 USD một điều chắc chắn là trách nhiệm của những người này không hề nhỏ. Một khảo sát của Deloitte trên 349 nhà quản lý hàng đầu cho thấy có 10 vai trò chính của một CMO trong doanh nghiệp trong đó quan trọng nhất là tiếng nói của khách hàng trong ban lãnh đạo và sở hữu tư duy kinh doanh, hiểu biết toàn diện về doanh nghiệp.
Theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang chia sẻ tại BrandsVietnam, một CMO giỏi thường sẽ đảm trách 5 công việc sau trong một doanh nghiệp.
Một là phải xác lập chiến lược marketing toàn diện 4P cho từng thương hiệu và sản phẩm, hay cho từng mảng kinh doanh, hay cho từng công ty thành viên. Trong không ít trường hợp CMO có thể xác lập "chiến lược tương hỗ" các nhóm giải pháp hỗ trợ công nghệ và sản phẩm; xác lập hệ thống phân phối như một hạ tầng chung cho cả tập đoàn; xây dựng cơ cấu thương hiệu hợp lý cho tất cả các công ty thành viên vốn hoạt động trong từng ngành hàng, sản phẩm hay thị trường mang tính cục bộ; một cơ cấu tài chính thương hiệu tương hỗ. Tất cả các giải pháp tổng thể nói trên đều mang lại lợi thế chiến lược, hiệu quả đầu tư và vị thế cạnh tranh vượt trội.
Thứ 2, CMO phải đủ năng lực chuyên môn để thiết lập các quy trình quản lý, hệ thống hóa và quy trình hóa những công việc liên quan đến marketing và thương hiệu. Hay nói cụ thể hơn là phải ISO hóa hệ thống quản trị vươn ra thị trường và đến tay khách hàng, chứ không phải ISO hóa "ra đến cổng nhà máy" là chấm hết. Theo đó tư tưởng chất lượng toàn diện, TQM (total quality management) sẽ hài hòa với tư duy marketing.
Ba là CMO phải thấu hiểu bản chất Thương hiệu. Lý thuyết và thực tê chứng minh rằng "Thương hiệu chính là Sản phẩm". Quan điểm này làm thay đổi rất nhiều các hệ thống tư duy quản trị kinh điển khi mà lý thuyết quản trị lấy "sản phẩm" làm đối tượng chủ thể trung tâm, còn "thị trường" là khách thể. Theo ông Quang xác định "thương hiệu" làm đối tượng trung tâm và khách hàng, công chúng là đối tượng khách thể. Sản phẩm chinh phục khách hàng còn thương hiệu không chỉ chinh phục khách hàng mà nó còn chinh phục những người không phải là khách hàng, nghĩa là nó chinh phục cả cộng đồng (bao gồm khách hàng tức những người có thể mua + những người không thể mua sản phẩm).
Thứ 4, CMO phải là cầu nối đắc lực giữa marketing và công nghệ. Nắm vững một mô hình marketing innovation thích hợp. Ở vị trí CMO ngoài công việc xác lập hệ thống quản trị, hệ thống phân phối và sáng tạo truyền thông, CMO còn phải có khả năng xác lập những chương trình nghiên cứu phát triển mang lại những kết quả cụ thể, tạo những sản phẩm mới hoàn thiện ở cấp độ "sản phẩm thương hiệu", chứ không phải là sản phẩm ý tưởng (sơ khai) hay sản phẩm công nghệ (chưa khả thi về mặt kinh doanh). Để làm được việc này CMO phải lãnh đạo nhóm R&D phối hợp chặt chẽ và khuyến khích sáng tạo, thấu hiểu công nghệ và cùng với các chuyên gia công nghệ sáng tạo ra những ý tưởng sản phẩm tiên phong cả về công nghệ và hấp dẫn nhu cầu, theo đúng xu hướng tiêu dùng và hài hòa với sứ mệnh của doanh nghiệp.
Thứ 5, CMO phải thấu hiểu vai trò toàn diện của Marketing theo mô hình marketing "7P". Ngoài bốn yếu tố cơ bản, marketing ngày nay chú trọng đến yếu tố con người (P5) và quy trình (P6), sau cùng là P7 (Philosophy) tức tinh thần, giá trị và văn hóa doanh nghiệp. Thấu hiểu các yếu tố bổ sung này, marketing tham gia xây dựng doanh nghiệp (và tổ chức) một cách toàn diện nhất, hiệu quả và sâu sắc nhất. Trong thực tế, nếu các manager chịu trách nhiệm đề xuất các giải pháp ở tầm "4P" thì CMO phải chịu trách nhiệm thiết lập các giải pháp và chiến lược ở tầm P5, P6 và P7.
Tổng số truy cập: 387736701