Pháp Luật - Đầu Tư

Hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu theo pháp luật Việt Nam

   

TS. HỒ THỊ VÂN ANH

Phó Trưởng Khoa luật Dân sự

Trường Đại học Luật, Đại học Huế.


Tóm tắt: Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2015, có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 có nhiều nội dung đổi mới. Nhìn một cách tổng thể, nội dung phần hiệu lực giao dịch dân sự về cơ bản đã giải quyết được những vướng mắc về hợp đồng dân sự nói chung cũng như vấn đề về hợp đồng dân sự vô hiệu và hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu. Tuy nhiên, những quy định về hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu vẫn phát sinh một số bất cập, đòi hỏi cần sửa đổi nhằm bảo đảm tính khả thi của quy định này.
Từ khóa: Hợp đồng, hậu quả pháp lý, hợp đồng vô hiệu.
Summary: The Civil Code of 2015 passed by the National Assembly on November 24, 2015, effective January 1, 2017 has many innovative provisions. In general, the provisions of the validity of a civil transaction have basically solved the problems of civil contracts in general as well as the problem of invalid civil contracts and legal consequences of the invalid contracts. However, the provisions on legal consequences of invalid contracts still reveal some shortcomings; it is required further review for further improvements so that it is to ensure the effectiveness of law application.
Keywords: Contract, legal consequences, invalid contract.
 HỢP-ĐỒNG-VÔ-HIỆU.jpg
 Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Thực trạng các quy định của pháp luật về hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu
Pháp luật hợp đồng ở các nước trên thế giới không định nghĩa về hợp đồng vô hiệu, mà giải nghĩa theo các dấu hiệu pháp lý. Ở nước ta, BLDS năm 2015 cũng được xây dựng theo hướng này. Theo  quy định của Điều 122 BLDS năm 2015, việc giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 BLDS năm 2015 thì vô hiệu, trừ trường hợp BLDS năm 2015 có quy định khác.
Xét về chính sách pháp lý và phương pháp tiếp cận, quy định về hợp đồng vô hiệu, hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu trong BLDS năm 2015 chịu ảnh hưởng bởi triết lý: "Bảo đảm BLDS là luật của tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự; luật của các quan hệ thị trường và phù hợp với tập quán, thông lệ quốc tế; bảo đảm được 2 giá trị căn bản nhất của kinh tế thị trường là chủ thể bình đẳng, tự do - tự nguyện trong quan hệ tư; Nhà nước, cơ quan nhà nước khi tham gia quan hệ tư bình đẳng với các chủ thể khác; hạn chế tối đa sự can thiệp của Nhà nước vào các quan hệ tư”[1]. Xét về cấu trúc của BLDS năm 2015, do bản chất pháp lý của hợp đồng chính là hành vi pháp lý dân sự hay còn gọi là sự tuyên bố ý chí, bên cạnh quy định liên quan tại Phần thứ 2 "Nghĩa vụ và hợp đồng” thì quy định chung về hiệu lực của giao dịch dân sự và giao dịch dân sự vô hiệu (Điều 116 - Điều 133, Phần thứ nhất "Quy định chung”) cũng là những căn cứ pháp lý cơ bản trong điều chỉnh hợp đồng, hợp đồng vô hiệu, hậu quả pháp lý của hợp đồng dân sự vô hiệu.
Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng được đặt ra để giới hạn việc thực hiện quyền dân sự về việc tự do ý chí, tự do hợp đồng để bảo đảm trật tự công, các lợi ích khác cần được bảo vệ và sự ổn định của các giao dịch. Điều 117 BLDS năm 2015 quy định:
"1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định”.
So với quy định về giao dịch dân sự vô hiệu tại BLDS năm 2005, BLDS năm 2015 đã ghi nhận một cách rõ ràng hơn về sự tồn tại của hợp đồng vô hiệu tuyệt đối và hợp đồng vô hiệu tương đối, mặc dù để nhận biết một cách đầy đủ vẫn cần thông qua các dấu hiệu pháp lý thể hiện ở các quy định giải quyết hợp đồng vô hiệu cụ thể hoặc thông qua các lý thuyết trong khoa học pháp lý dân sự[2]. Đây là quy định cần thiết, bởi lẽ các quy định về điều kiện có hiệu lực của BLDS để áp dụng cho đa số các trường hợp, nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bên. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc vô hiệu giao dịch dân sự là hoàn toàn không cần thiết. Thực tế, có những trường hợp giao dịch thiếu điều kiện của Điều 117 BLDS năm 2015[3] nhưng vẫn không vô hiệu. Chẳng hạn như quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12C BLDS năm 2015, "giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hành ngày của người đó”[4] thì không bị xem là giao dịch vô hiệu. Sự bổ sung quy định này thể hiện sự linh hoạt trong các quy định của pháp luật[5].
Tuy nhiên, những quy định của pháp luật Việt Nam về hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu vẫn tồn tại một số bất cập sau:
Thứ nhất, vấn đề "khôi phục tình trạng ban đầu”:
Về nguyên tắc chung cả BLDS năm 2005 (Điều 137)[6] cũng như BLDS năm 2015 (Điều 131)[7] đều theo hướng "giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập”[8]. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường. Ở đây, chỉ có quyền và nghĩa vụ dân sự mà giao dịch muốn làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt không phát sinh, thay đổi, chấm dứt. Tuy nhiên, chính việc vô hiệu của giao dịch làm phát sinh một số nghĩa vụ đối với các bên (nghĩa vụ phát sinh từ việc giao dịch vô hiệu, chứ không phát sinh từ giao dịch).
Theo quy định của BLDS năm 2015, việc không thể hoàn trả bằng hiện vật không ảnh hưởng tới việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu và việc hoàn trả cũng được thực hiện bằng giá trị. Cụ thể, khoản 2 Điều 131 BLDS năm 2015 quy định về hậu quả của giao dịch vô hiệu như sau: "Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả”[9]Như vậy, cũng như pháp luật ở nhiều nước, BLDS Việt Nam quy định theo hướng việc không thể hoàn trả lại bằng hiện vật không hạn chế việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu.
Ngoài ra, BLDS năm 2015 đã có những quy định về xử lý hậu quả của hợp đồng vô hiệu vừa mang tính bao quát, vừa mềm dẻo, phù hợp với thực tế hơn, giảm thiểu những tổn thất lợi ích hợp pháp, chính đáng về vật chất và công bằng hơn cho các bên trong hợp đồng vô hiệu. Theo đó, Điều 131 BLDS năm 2015 đã được bổ sung thêm khoản 5 với nội dung "Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định”[10]. Việc bổ sung này là cần thiết và chủ yếu được lý giải bởi các quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Tuy nhiên,  chúng tôi cho rằng, quy định của Điều 131 BLDS năm 2015 vẫn tồn tại một số bất cập sau:
Thứ nhất, theo quy định của khoản 2 Điều 131 BLDS năm 2015, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận chỉ là một cách thức để khôi phục lại tình trạng ban đầu và không hoàn toàn đồng nghĩa với khôi phục lại tình trạng ban đầu. Trong thực tiễn áp dụng pháp luật thì, "khôi phục lại tình trạng ban đầu” thường được đồng nhất với "hoàn trả cho nhau những gì đã nhận”, song đây lại là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Trong trường hợp thứ nhất, bên đã làm hư hỏng, giảm giá trị tài sản phải sửa chữa, phục hồi, nâng cấp lại tài sản, nhưng đối với trường hợp thứ hai, có cần thiết phải khôi phục tài sản trở về trạng thái ban đầu khi tài sản đó đã được làm tăng giá trị? Chẳng hạn, sau khi nhận đất mà bên mua xây dựng thêm trên đất thì phần xây dựng thêm không phải là tài sản bên mua "nhận” từ bên bán nên không có vấn đề "hoàn trả” cho bên bán nhưng yêu cầu về khôi phục lại tình trạng ban đầu buộc phải giải quyết về tài sản bổ sung nêu trên.
Trong trường hợp đối tượng hợp đồng là tài sản, nhưng tài sản không còn giữ được tình trạng như ban đầu hay đối tượng hợp đồng là công việc (dịch vụ) đã được thực hiện mà có căn cứ xác minh là hợp đồng vô hiệu thì không thể áp dụng được việc "khôi phục lại tình trạng ban đầu”. Đặc biệt, đối với những hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu do vi phạm điều cấm hay trái đạo đức xã hội mà đối tượng hợp đồng là các công việc có liên quan đến giá trị nhân thân của các bên chủ thể. Đối với những hợp đồng như hợp đồng vận chuyển, hợp đồng xây dựng, hợp đồng tư vấn... việc hoàn trả cho nhau những gì đã nhận rất khó thực hiện. Ví dụ, trong hợp đồng vận chuyển, khó có thể xử lý trường hợp đối tượng hợp đồng đã được vận chuyển tới một không gian hay địa điểm khác so với địa điểm xuất phát ban đầu.
- Khoản tiền phải hoàn trả do không hoàn trả được tài sản bằng hiện vật cần được xác định như thế nào? Đây cũng là một vấn đề không đơn giản. Quy định của khoản 2 Điều 131 BLDS năm 2015 không cho biết trong trường hợp nào các bên "không hoàn trả được bằng hiện vật”. Tuy nhiên,Nghị quyết số 04/2003 NQ-HĐTP ngày 27/5/2003 của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn theo hướng tài sản "được đưa vào khai thác, sử dụng” là một trường hợp "không hoàn trả được bằng hiện vật”[11]Trong trường hợp một bên đã nhận tiền mặt của bên kia thì thông thường tiền được đưa vào sử dụng nên không thể hoàn trả bằng hiện vật: Bên bán không thể trả lại cho bên mua chính số tiền đã nhận. Do đó, bên bán "phải trả bằng tiền”.
- Điều 131 BLDSkhông quy định việc hoàn trả được tiến hành ở thời điểm nào nên vấn đề thời điểm hoàn trả được đặt ra, nhất là khi cả hai bên đều phải hoàn trả lẫn nhau. Điều này sẽ gây ra khó khăn cho việc áp dụng luật trên thực tế. Về vấn đề này, Bộ nguyên tắc châu Âu về hợp đồng quy định khá chi tiết tại Điều 4:115, theo đó các bên phải "đồng thời” hoàn trả những gì các bên đã nhận[12].
- Trong thực tế, rất phổ biến trường hợp một bên yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu là vì họ không muốn thực hiện đầy đủ những gì mà hợp đồng buộc họ phải làm. Vì vậy, việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu sẽ là một chế tài cho bên muốn duy trì hợp đồng và là một lợi thế cho người không muốn duy trì hợp đồng. Ví dụ, một bên yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu vì không muốn thanh toán khoản tiền đã thỏa thuận trong hợp đồng hoặc không muốn những tài sản mà mình đã nhận từ việc thực hiện hợp đồng do không còn nhu cầu về tài sản đó nữa hay do có tài sản mới trên thị trường hấp dẫn hơn...
Thứ hai, quy định về "bên có lỗi thì phải bồi thường thiệt hại” (khoản 4 Điều 131 BLDS năm 2015):
Hợp đồng vô hiệu kéo theo hệ quả là phải khôi phục lại tình trạng ban đầu bằng cách hoàn trả những gì các bên đã nhận của nhau. Tuy nhiên, việc hoàn trả những gì đã nhận đôi khi chưa đủ và vấn đề bồi thường thiệt hại do hợp đồng vô hiệu được đặt ra. Tuy nhiên, BLDS năm 2015 không quy định rõ "bên” trong quan hệ này là ai. "Bên” có lỗi làm hợp đồng vô hiệu là bên trong hợp đồng vô hiệu. Đây là bên tham gia vào hợp đồng hay là một chủ thể nào khác? Nếu bên tham gia vào hợp đồng chết và người thừa kế không tiến hành các thủ tục làm cho hợp đồng vô hiệu thì ai sẽ là "bên” trong hợp đồng? Trong trường hợp tài sản giao dịch thuộc nhiều người và có người trực tiếp xác lập giao dịch còn người khác biết và không phản đối (đồng ý) thì ai là "bên” theo quy định của Điều 131 BLDS năm 2015?
Trong trường hợp, hợp đồng vô hiệu do lỗi của một chủ thể khác thì quy định của khoản 4 Điều 131 BLDS năm 2015[13]chưa rõ ràng và rất dễ hiểu lầm. Ví dụ, nhiều hợp đồng đã có công chứng nhưng vẫn bị Tòa án tuyên bố vô hiệu; trong khi đó, khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014 quy định "công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch khác”. Khi hợp đồng đã công chứng bị tuyên bố vô hiệu thì công chứng viên có trách nhiệm không? Điều 131 BLDS năm 2015 quy định, "bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường” nên chỉ áp dụng cho các "bên” trong hợp đồng và không áp dụng cho công chứng viên. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 38 Luật Công chứng năm 2014 quy định tổ chức hành nghề công chứng phải "bồi thường thiệt hại do lỗi mà công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng gây ra cho người yêu cầu công chứng”.
- Hợp đồng vô hiệu có thể chỉ do lỗi một bên mà cũng có thể do lỗi của hai bên và vấn đề bồi thường thiệt hại được đặt ra cả trong trường hợp mức độ lỗi của hai bên là tương đương nhau. Do đó, Tòa án phải xác định mức độ lỗi của từng bên trong việc làm cho hợp đồng vô hiệu để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại: nếu mỗi bên đều có lỗi tương đương nhau thì mỗi bên phải chịu 1/2 giá trị thiệt hại; nếu mức độ lỗi của họ không tương đương nhau thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xác định theo mức độ lỗi của mỗi bên. Hiện nay, vấn đề xác định thiệt hại của hợp đồng dân sự vô hiệu nói chung chưa được hướng dẫn cụ thể, chúng ta chỉ có thể dựa vào một số văn bản hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao để nghiên cứu vấn đề này.
Nếu dựa trên các quy định tại điểm c tiểu mục 2.3 Mục 2 Phần II Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/04/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về xác định thiệt hại của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu[14] và điểm c tiểu mục 2.4 Mục 2 Phần I Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/04/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về xác định thiệt hại của hợp đồng mua bán nhà ở vô hiệu[15], thì có thể xác định thiệt hại trong hợp đồng vô hiệu nói chung bao gồm: khoản tiền mà các bên bỏ ra để khôi phục lại tình trạng ban đầu khi tài sản là đối tượng của hợp đồng bị vô hiệu bị hư hỏng; khoản tiền mà các bên bỏ ra để làm tăng giá trị của tài sản là đối tượng của hợp đồng bị vô hiệu; khoản tiền chênh lệch giá do các bên thỏa thuận với giá trị tài sản tại thời điểm xét xử sơ thẩm; các thiệt hại khác (nếu có).
Theo quy định của Nghị quyết số 01/2003/ ngày 16/4/2003 NQ-HĐTP, "một bên bị coi là có lỗi nếu bên đó có hành vi làm cho bên kia nhầm tưởng là có đầy đủ điều kiện để mua nhà ở hoặc bán nhà ở là hợp pháp”[16]Việc xác định lỗi theo các tiêu chí như hướng dẫn trên, theo chúng tôi là chưa hợp lý nhìn từ trường hợp hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn, mà sự nhầm lẫn này thuộc nhầm lẫn hai bên hoặc bên bán không có lỗi khi tại thời điểm giao kết hợp đồng, bên bán không biết hoặc không thể biết đối tượng hợp đồng không thực hiện được do quyết định của cơ quan nhà nước (ví dụ như quy hoạch đất chưa được công bố công khai).
Những phân tích trên cho thấy, bồi thường thiệt hại được quy định trên cơ sở xác định lỗi do chủ thể nào gây ra và xác định được thiệt hại xảy ra trên thực tế khi hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu. Vấn đề phức tạp ở đây là xác định lỗi trong thực tế là việc rất khó. Đặc biệt, đối với các trường hợp khác như hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn, hợp đồng vô hiệu do đối tượng không thực hiện được hay hợp đồng vô hiệu do người giao kết hợp đồng không có quyền định đoạt tài sản mà bên đối tác cũng biết về điều đó thì xác định mức độ lỗi của các bên còn nhiều quan điểm tranh cãi.
2. Kiến nghị
Để bảo đảm tính khả thi của các quy định của BLDS năm 2015 về hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu, chúng tôi cho rằng:
Thứ nhất, sửa đổi khoản 2 Điều 131 BLDS năm 2015 theo hướng làm rõ hơn một số nội dung, cụ thể như sau: Bổ sung cụm từ "đồng thời” vào giữa cụm từ "hoàn trả cho nhau”; bổ sung cụm từ "hợp lý” vào giữa cụm từ "khoản tiền để hoàn trả”. Theo đó, khoản 2 Điều 131 BLDS được viết lại như sau: "Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả đồng thời cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành một khoản tiền hợp lý để hoàn trả”.
Thứ hai, sửa đổi khoản 4 Điều 131 BLDS năm 2015 theo hướng thay thế từ "bên” thành từ "người”. Theo đó, khoản khoản 4 Điều 131 BLDS năm 2015 được viết lại như sau: "Người có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường”.
Thứ ba, Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành văn bản hướng dẫn cho phép các Tòa án áp dụng linh hoạt quy định "các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu”. Trong trường hợp việc khôi phục lại tình trạng ban đầu gây lãng phí, tốn kém (ví dụ: phải phá bỏ, tháo dỡ công trình xây dựng, phải hủy bỏ các sản phẩm đã thành phẩm...) thì cần cho phép Tòa án có giải pháp khác phù hợp. Kinh nghiệm  pháp luật Pháp cho thấy, trong những trường hợp tương tự, Tòa án cũng đã không buộc các bên hoàn trả lại những gì họ đã nhận được nếu như việc tôn trọng nội dung hợp đồng không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người thứ ba hay lợi ích chung[17]./.
 

 


[1] Nguyễn Hồng Hải, Một số vấn đề về hợp đồng vô hiệu trong pháp luật tư hiện hành của Việt Nam, Hội thảo "Hợp đồng vô hiệu trong pháp luật một số nước”, Viện Luật so sánh, Đại học Luật Hà Nội, 9/2018, tr.118.
[2] Theo PGS.TS. Ngô Huy Cương: Vô hiệu tuyệt đối có các dấu hiệu (i) Chế tài vô hiệu nhằm bảo vệ quyền lợi công; (ii) Sự vô hiệu có thể được nại ra ở bất kỳ người nào có một quyền lợi thực tế và hiện tại trong việc nại ra đó; (iii) Tòa án có thể nại ra sự vô hiệu; (iv) Không thể xác nhận lại được; và (v) Phải được quy định rõ ràng bởi luật. Vô hiệu tương đối có các dấu hiệu: (i) Chế tài vô hiệu nhằm bảo vệ quyền lợi tư; (ii)Sự vô hiệu chỉ có thể được nại ra bởi các đương sự với điều kiện đã hoặc có thể gánh chịu thiệt hại và đã hành động thiên chí; (iii) Tòa án không thể nại ra sự vô hiệu; và (iv) Có thể xác nhận lại được (Xem "Giáo trình Luật Hợp đồng (Phần chung)”, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2013, tr.353-355). Xem thêm Bùi Đăng Hiếu, "Giao dịch dân sự vô hiệu tương đối và vô hiệu tuyệt đối”, Tạp chí Luật số 5/2001; Nhà Pháp luật Việt – Pháp "Các thuật ngữ hợp đồng thông dụng”, Nxb. Từ điển Bách khoa, 2007; Corinne Renaultbrahinsky "Đại cương pháp luật hợp đồng”, Nhà Pháp luật Việt – Pháp, Nxb. Văn hóa – Thông tin, 2002; Vũ Văn Mẫu, "Việt Nam Dân luật lược khảo – Quyển 2: Nghĩa vụ và khế ước”, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1963.
[3] Xem Điều 117 BLDS năm 2015
[4] Xem Điều 125 BLDS năm 2015
[5] Đỗ Văn Đại, Bình luận khoa học những điểm mới của Bộ luật Dân sự năm 2015 (sách chuyên khảo), Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, 2016, tr.145.
[6] Xem Điều 137 BLDS năm 2005
[7] Xem Điều 131 BLDS năm 2015.
[8] Về vấn đề này, theo PGS.TS. Đỗ Văn Đại tại tr.157 trong cuốn: "Bình luận khoa học những điểm mới của BLDS năm 2015” thì: Theo khoản 2 Điều 137 BLDS năm 2005, "khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận”. Về chủ đề này, Dự thảo mà Chính phủ trình Quốc hội năm 2014 (lần đầu) theo hướng "các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận”. Đối tượng trong BLDS năm 2005 là "những gì đã nhận” còn đối tượng hoàn trả trong Dự thảo năm 2014 là "tài sản đã nhận”. Khi có ý kiến về Dự thảo này, đã có nhận định cho rằng "Dự thảo đã thu hẹp đối tượng phải hoàn trả và việc thu lại này là cần xem lại vì, khi thực hiện giao dịch, các bên không chỉ giao cho nhau tài sản mà cả những gì không là tài sản như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (xe, nhà...). Những thứ này vẫn phải hoàn trả nên việc thu hẹp lại như Dự thảo là không thuyết phục. Do đó, chúng tôi đề xuất khôi phục lại quy định cũ của BLDS là hoàn trả cho nhau những gì đã nhận”. Dự thảo trình Quốc hội lần hai vào năm 2015 đã theo hướng này và được thông qua.
[9] Xem khoản 2 Điều 131 BLDS năm 2015.
[10] Xem khoản 5 Điều 131 BLDS năm 2015.
[11] Xem Nghị quyết số 04/2003 NQ-HĐTP ngày 27/5/2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
[12] Đỗ Văn Đại, Luật hợp đồng Việt Nam (bản án và bình luận bản án), tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia năm 2013, tr.889.
[13] Xem khoản 4 Điều 131 BLDS năm 2015.
[14] Xem Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/04/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
[15] Xem Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/04/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
[16] Xem Nghị quyết số 01/2003/ ngày 16/4/2003 NQ-HĐTP.
[17] Đỗ Văn Đại, Luật hợp đồng Việt Nam (bản án và bình luận bản án), tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, năm 2013, tr.895.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 05 (429), tháng 3/2021.)

Các tin tức khác
Hoc tap Bac
mua xuan
law
lawww
HOANG THANH
Tin xem nhiều
Thống kê truy cập
Đang online: 27
Tổng số truy cập: 387737617