Văn hóa doanh nghiệp - nền tảng để phát triển bền vững
"Văn hóa doanh nghiệp (VHDN) là yếu tố tạo nên linh hồn của thương hiệu và thể hiện sự khác biệt về giá trị của doanh nghiệp (DN). Một thương hiệu tốt không chỉ là tài sản của DN mà còn là tài sản của quốc gia. Chính vì vậy, VHDN phải được coi là nền tảng quyết định sự phát triển bền vững của từng DN và của cả nền kinh tế trong thời kỳ hội nhập quốc tế”.
Đó là phát biểu của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình tại diễn đàn "Văn hóa doanh nghiệp – Nền tảng phát triển bền vững” do Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (VNABC) phối hợp với Hội Nữ doanh nhân TP.HCM tổ chức.
Với 323.000 DN đang hoạt động tại TP.HCM, trong số đó có hơn 98% có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP.HCM nhận xét, việc xây dựng VHDN đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN chưa bền vững và chưa xây dựng được VHDN. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng một số DN vi phạm nghiêm trọng đạo đức kinh doanh như sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; thiếu nghiêm túc khi thực hiện trách nhiệm xã hội…
Với mục tiêu phát triển bền vững, vươn ra cộng đồng thế giới, đích đến DN cần đạt được là phải biết thượng tôn pháp luật và đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, điều này cũng chính là mục tiêu cuối cùng của VHDN.
Theo ông Giản Tư Trung – Hiệu trưởng Trường Doanh nhân Pace, đưa ra một giá trị văn hóa không khó nhưng để nó sống được từ nhân viên thư ký đến bảo vệ, hay bất kỳ một bộ phận nào thì không dễ chút nào.
Ông Trung lý giải: "Văn hóa không phải là lý thuyết ABC mà là quá trình tự thấm nhuần, vì vậy văn hóa là gốc rễ, còn chiến lược, kỹ năng của một DN chỉ là phần ngọn. Một DN nếu mất chiến lược có thể làm lại, mất kỹ năng có thể đào tạo được nhưng mất văn hóa là mất hết thương hiệu”. Minh chứng bằng thực tế từ DN mình, bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận nói: "Tài sản lớn nhất của PNJ không phải là tiền mà chính là con người và VHDN. Vì vậy, hơn 30 năm qua, PNJ có nhiều biến động và thăng trầm nhưng bằng sự chính trực, uy tín – gốc rễ của văn hóa, nên đã vượt qua khó khăn. Cũng nhờ văn hóa lấy chữ tín làm gốc rễ nên PNJ đã tăng trưởng 20% trong 20 năm qua”.
Và "bí quyết” để PNJ xây dựng được VHDN, theo bà Dung, đó là xây dựng mái nhà chung và bộ nguyên tắc trong quản trị , trong đó không chỉ nhân viên mà "mỗi gia đình nhân viên là một thành viên của PNJ”. Tuy nhiên, bà Dung cho biết: "Quá trình xây dựng, bồi đắp VHDN cũng phải theo chiến lược phát triển của Công ty. Ví dụ, sau khi cổ phần hóa, nhiều nhân viên của PNJ ỷ lại, không phấn đấu nên chúng tôi phải thay đổi suy nghĩ của từ lãnh đạo đến nhân viên và phải đưa ra nhiều quy chuẩn quản trị có tính kỷ luật cao hơn. Song, dù quản trị thế nào thì người lãnh đạo cũng phải thay đổi suy nghĩ đầu tiên, trong đó quản trị hiện đại là phải coi người lao động là tài sản vì họ chính là người đóng góp, làm giàu cho Công ty. Hay như khi chuyển sang bán lẻ, giá trị hướng đến của PNJ là khách hàng, là hệ thống nên văn hóa Công ty cũng chuyển hướng theo hành vi ứng xử, phải thay đổi quy trình, xây dựng văn hóa phục vụ khách hàng và chuyên nghiệp”.
Trong khi đó, ông Uday Shankar Sinha – Tổng giám đốc Suntory Pepsico và bà Claire Chiang – Chủ tịch Quỹ Banyan Tree Global đều cho rằng, ngay từ khi thành lập DN đã phải xây dựng ngay VHDN và chính người lãnh đạo có trách nhiệm truyền tải văn hóa đó, làm sao cho VHDN thấm nhuần trong từng nhân viên, từ đó tạo cho họ sự gắn kết, yêu thương DN.
Ông Trần Kim Thành – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Kido cũng khẳng định: "VHDN là nền tảng phát triển của DN và phải bắt đầu từ người lao động. Muốn một nhân viên phát triển, cống hiến cho DN thì phải chia sẻ với họ từ tầm nhìn, sứ mệnh của DN. Một nhân viên không cống hiến hết mình, không cảm thấy hạnh phúc thì người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm”.
Theo bà Claire, VHDN là khái niệm rất trừu tượng, vì vậy phải có công cụ đo lường và những quy tắc để kết nối hoạt động kinh doanh hướng tới VHDN. Còn ông Uday cho biết, quy tắc đơn giản của Pepsi là công bằng, minh bạch, công khai, chấp nhận thất bại nhưng không được sợ hãi.
Ông Uday nêu vấn đề: "Hiện nay DN luôn đề cao những người trẻ và quan tâm vấn đề đào tạo. Tuy nhiên, nếu những người trẻ được đào tạo nhưng lại quay về với "hồ nước bẩn” thì sẽ lãng phí đầu tư. Vì vậy, quan trọng nhất là phải thay đổi được tổ chức. Và khi thay đổi hệ thống, phải bắt đầu từ hành vi nhỏ nhất để xây dựng mối quan hệ, chúng ta sẽ thấy DN thay đổi. Thế hệ nhân viên trẻ luôn đòi hỏi sự minh bạch trong tổ chức, họ chỉ cần công ty quan tâm đến họ là đã tạo ra sự gắn kết. Vì vậy, phải thức họ dậy để cùng nhau chèo thuyền, cùng hướng đến trái tim”.
Bằng thực tế của DN mình, ông Lê Viết Hải – Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng đưa ra 7 giá trị cốt lõi tạo nên cốt cách văn hóa của "con người Hòa Bình”, đó là ứng xử văn minh, hành xử chính trực, thực thi cam kết, tuân thủ kỷ luật, tích hợp tinh hoa, tích cực sáng tạo và chủ động hợp tác. Giá trị cốt lõi này được tạo nên bởi 7 yếu tố là 7 chữ T: tận tụy, trung thành với công ty, tận tình với khách hàng, tự trọng với bản thân, thấu hiểu, gương mẫu với cấp dưới, tương trợ, cộng tác với đồng nghiệp, tôn kính, phục tùng cấp trên và trung thực, khiêm tốn với mọi người.
Theo DNSG online
Tổng số truy cập: 387737525