Jack Ma: Đã hy vọng và mãi mãi không bao giờ bỏ cuộc như thế nào?
Dẫu đứng trên đỉnh vinh quang với cả tên tuổi cá nhân lẫn công ty, nhưng Jack Ma vẫn thừa nhận mình là tay gà mờ, một gã khờ trong giới công nghệ thông tin,...
Jack Ma (tên khai sinh Mã Vân) từng khiến thầy cô đau đầu về khả năng học toán kém cỏi; và ngày nào từ trường về nhà, cậu cũng trình diện trước song thân trong tình trạng sứt đầu mẻ trán vì chống trả lại những ức hiếp từ bạn học.
Sự nghiệp học hành liên tục thi trượt
Hay đánh nhau, kết quả học tập lẹt đẹt, cha mẹ Mã Vân không dám tin tưởng vào tương lai của cậu con trai, lo lắng cậu sẽ chỉ có thể trở thành một đứa trẻ ngỗ nghịch. Tất cả những gì Mã Vân có ngày ấy là lòng dũng cảm, bản tính cương trực, sự kiên trì cao độ ẩn nấp trong hình hài có phần thấp bé, dị tướng của mình.
Dẫu chưa từng nản chí, cộng thêm năng khiếu học tiếng Anh trời phú, Mã Vân vẫn trải qua thời học sinh đầy khó khăn, nếm trải đủ thất bại. Kém toán là nguyên nhân khiến Jack Ma trượt tiểu học 3 lần, trung học trượt 3 lần và cũng phải bằng đó lần thi đi thi lại mới vào được Đại học Sư Phạm Hàng Châu.
May mắn là ở đại học, nhờ khả năng tiếng Anh vượt trội, Jack Ma sớm hoàn thành chương trình học và còn dư dả thời gian để kiếm thêm thu nhập từ nghề dịch thuật. Năm 1992, khi đã trở thành giảng viên Học viện Công nghiệp điện tử Hàng Châu, Mã Vân cùng các đồng nghiệp trong trường lập ra công ty Dịch thuật Hải Bác – tên lấy từ cụm từ đồng âm tiếng Anh "Hope": Hy vọng.
Thời gian đầu, Hải Bác thu không đủ chi, chỉ đạt 1.000 nhân dân tệ trong khi phí thuê địa điểm đã là 1.500 tệ. Nhân viên công ty dao động, nhưng Mã Vân vẫn tin tưởng một cách kiên định con đường mình đã đi là đúng đắn, kỳ vọng vào ngày mai tươi sáng.
Để tạo thêm nguồn thu, Jack Ma không ngại vác bao tải đi đến chợ đầu mối nhập hoa về cho nhân viên công ty bán lại, còn bản thân ôm thùng lớn thùng nhỏ đồ tiểu thủ công nghiệp đi rao bán khắp đường ngang ngõ dọc ở Hàng Châu, hay chấp nhận làm thêm chân bán máy móc y tế và thuốc tân dược trong suốt một năm rưỡi.
Trong suốt những năm tháng ấy, Mã Vân dù khó khăn vẫn không từ bỏ công việc giảng dạy ở trường đại học, kể cả khi vẫn mức lương giảng viên không đủ ăn. Đó là bởi lời hứa 5 năm gắn bó với giảng đường mà Mã Vân đã cam kết với thầy hiệu trưởng, người ông vô cùng kính trọng.
Năm 1995, sau 3 năm sống nhờ những khoản doanh thu bé nhỏ mà Jack Ma đưa về, Hải Bác rốt cuộc cũng có lãi. Hơn 20 năm sau, Hải Bác trở thành công ty dịch thuật lớn nhất ở Hàng Châu, với slogan là câu nói nổi tiếng của Jack Ma: "Mãi mãi không bao giờ bỏ cuộc!".
Với nhiều người, câu nói ấy hẳn ám chỉ Jack Ma thành công với Hải Bác là nhờ ý chí cần cù, không ngại khó ngại khổ, nhưng với bản thân ông, sự thành công đó lại ghi dấu khứu giác thiên phú cực kỳ nhạy bén với thị trường. Ông làm vì tin rằng chắc chắn Xã hội có nhu cầu, và công ty Hải Bác, vì đi tiên phong, rồi cũng sẽ thành công.
"Rất nhiều người hẳn vẫn nhớ câu nói của Einstein: ‘Thiên tài là 99% mồ hôi nước mắt + 1% cảm hứng’. Nhưng câu nói đó không chính xác, nó khiến chúng ta chệch hướng cả cuộc đời, tay trắng vẫn hoàn tay trắng. Thành công không phải ở việc bạn làm nhiều hay làm ít, mà ở việc bạn đã làm gì".
Hải Bác Kinh doanh ổn định, lời hứa 5 năm đã hoàn thành, Jack Ma rời trường đại học và dần dần chuyển lại công việc kinh doanh cho các đồng nghiệp trong công ty để tìm hướng đi mới.
Cũng trong năm 1995, Mã Vân lần đầu được sang Mỹ khi mang theo sự uỷ thác của chính quyền thành phố Hàng Châu để tiếp xúc với một công ty Mỹ từng hứa tham gia dự án sửa chữa đường cao tốc ở tỉnh An Huy. Đặt chân đến Los Angeles, Jack Ma mới biết đó là một công ty lừa đảo, thậm chí còn muốn lôi kéo ông cùng tham gia với họ. Khi Mã Vân tỏ thái độ không đồng ý, chúng liền giam lỏng ông, doạ thủ tiêu.
"Quả thật giống hệt như một bộ phim hành động kinh điển kiểu Hollywood, đặc biệt là khi đặt chân đến Mỹ, tôi bị đám xã hội đen truy sát, đến giờ va li vẫn ở Hollywood".
Trong những ngày giả vờ hợp tác để kiếm cơ hội thoát thân, thông qua một mối quan hệ với bạn bè ở Mỹ, Mã Vân quyết định tìm hiểu về Internet – khái niệm mới mẻ mà trước đó ông chưa từng được tiếp xúc và gần như là con số 0 ở Trung Quốc.
Lần đầu tiếp xúc với máy tính, ông thử gõ tìm kiếm từ "beer", kết quả cho ra nhiều nội dung như bia Mỹ, bia Nhật và bia Đức, nhưng lại không có bia Trung Quốc. Mã Vân lại thử nhập thêm từ "Chinese", kết quả màn hình hiển thị: "No data".
Mã Vân chợt nhận ra cơ hội của mình là đây. Ông đề nghị người bạn đưa công ty Hải Bác lên mạng, và mua chiếc máy vi tính có bộ vi xử lý Intel 486 tân tiến nhất thời bấy giờ. Ngay trong đêm đặt chân về Trung Quốc, ông mời 24 người bạn thân thiết đến cùng bàn bạc về Internet, nhưng rồi chẳng ai ủng hộ.
Cuối cùng, Mã Vân cùng vợ Trương Anh tự lập ra Trang vàng Trung Quốc (Chinapages), với hoạt động chủ yếu là đưa thông tin của các công ty Trung Quốc cho đối tác Mỹ để phía Mỹ thiết kế trang web, đưa lên mạng, in ảnh chụp trang chủ chuyển phát về Trung Quốc và thu phí.
Thời gian đầu, Chinapages hoạt động không hề suôn sẻ. Vào thời internet chưa phổ biến ở Trung Quốc, khách hàng của Jack Ma không thể nhìn thấy công ty của họ trên mạng, mà chỉ có thể thông qua những tâm hình chụp do ông cung cấp.
"Khi đó thực sự có thể nói là thảm hại khôn cùng, chẳng khác gì một tên lừa đảo. Chúng tôi nói với tất cả mọi người rằng có một thứ như vậy, sau đó cần phải làm thế này, phải làm thế kia. Chẳng ai chịu tin".
Những ngày tháng bươn chải ở Bắc Kinh khi đó đến giờ vẫn còn hằn sâu trong đôi mắt của Mã Vân. Từng phải nằm trên nền đất qua đêm, chạy đôn chạy đáo khắp nơi để quảng bá cho Chinapages, niềm tin của Jack Ma với Internet vẫn không thay đổi. "Với tôi, Internet là môn chạy cự ly ba ngàn mét, sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống loài người trong tương lai 30 năm về sau. Bạn buộc phải nhanh như một con thỏ và bền bỉ như một con rùa".
Sau đó, Mã Vân quyết định chuyển hướng quảng bá, bắt đầu với những mối quan hệ của mình. Ông giới thiệu Chianpages với bạn bè thân thiết, những người vì tin tưởng uy tín của ông trong nhiều năm mà quyết định sử dụng dịch vụ của Trang vàng Trung Quốc. 3 tháng sau, nhờ đường truyền Internet 44k chuyên dụng đầu tiên của Trung Quốc lắp đặt thử nghiệm ở Thượng Hải, tình cảnh của Chinapages dần khả quan hơn.
Rốt cuộc, sau khi ra mắt thành công loạt trang chủ đầu tiên của Trung Quốc, điển hình như Câu lạc bộ Bóng đá Quốc An – Bắc Kinh, Chinapages bắt đầu được ngày càng nhiều khách hàng biết đến và quan tâm. Đến cuối năm 1997, doanh thu của Chinapages đạt 7 triệu nhân dân tệ. Con đường của Mã Vân ngày càng hanh thông.
Khi xây dựng được máy chủ ở Trung Quốc, Chinapages được Jack Ma kỳ vọng sẽ trở thành Yahoo của người Trung Quốc. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, với số tiền đầu tư ít ỏi trong tay, Jack Ma phải bán 70% vốn cho đối thủ cạnh tranh, và dần mất quyền kiểm soát công ty. Không được bao lâu sau, Mã Vân quyết định rời bỏ công ty, để xây dựng một tương lai rõ nét hơn cho bản thân mình.
"Trên hành trình lập nghiệp, trong vòng 4-5 năm đầu, tôi tin tưởng rằng bất kỳ một công ty nào đều sẽ đối diện với rất nhiều lựa chọn và cơ hội. Trong quá trình lựa chọn và khảo sát cơ hội đó, việc bạn có còn giữ được trong lòng mơ ước như ngày đầu tiên của mình, giống như mối tình đầu hay không là điều vô cùng quan trọng".
Rời khỏi Chinapages, Mã Vân vào làm việc ở Bộ Ngoại thương, đảm nhận chức Tổng giám đốc bộ phận thông tin Trung tâm thương mại điện tử Quốc tế Trung Quốc. Trong thời gian này, đồng sáng lập Yahoo Dương Chí Viễn (Jerry Yang) mời ông về đảm nhiệm chức CEO Yahoo Trung Quốc, Sina cũng muốn Mã Vân gia nhập bằng chế độ đãi ngộ hậu hĩnh.
Tuy nhiên, với Jack Ma, thứ ông cần không phải là một công việc thoải mái, yên ổn sống dưới gốc cây đại thụ của Bộ Ngoại thương, hay hưởng mức lương cao ngất, mà là lập nghiệp, thực hiện lý tưởng của mình. Cuối năm 1998, Jack Ma từ chức ở Bộ Ngoại thương, đưa đội ngũ của mình từ Bắc Kinh về Hàng Châu, tìm cơ hội mới. Khi ấy, ông đã ở tuổi 35.
Quá trình làm việc tại Bộ Ngoại thương, Mã Vân xác định lĩnh vực thương mại điện tử có thể là một lựa chọn không tồi lúc này, trong hoàn cảnh ở Trung Quốc khi đó chưa có một trang web đủ mạnh về lĩnh vực này và tài nguyên trên Internet vẫn còn mở rộng.
Ông cùng đội ngũ 18 người đặt công ty trong chính nhà mình, nơi bày la liệt những chiếc giường, làm việc liên tục 17-18 tiếng mỗi ngày, nhận lương chỉ 500 nhân dân tệ trích ra từ chính số vốn 500.000 nhân dân tệ mà cả đội góp chung.
Năm 1999, Alibaba ra đời với mục tiêu cao nhất là hỗ trợ các công ty vừa và nhỏ kết nối được với khách hàng của họ một cách hiệu quả nhất. Cái tên Alibaba được chọn do quen thuộc, dễ nhớ, và vì nó còn mang trong mình câu chuyện về một chàng trai lương thiện chính trực, biết san sẻ kho báu của mình với mọi người, giống như cách Jack Ma muốn làm với công ty của ông.
Jack Ma đồng thời mang về đội ngũ CFO Thái Sùng Tín – người khi đó đang là CEO khu vực châu Á của công ty đầu tư mạo hiểm Investor AB của Thuỵ Điển, nhận lương hàng triệu USD, còn Alibaba chỉ có thể trả lương 500 tệ mỗi tháng.
Tháng 10/1999, Goldman Sachs rót 5 triệu USD vào Alibaba để đổi lại 40% cổ phần của công ty này. Lúc này, số thành viên đăng ký tham gia Alibaba vượt mốc 20.000 người.
Ngày 31/10/1999, Jack Ma gặp Masayoshi Son – nhà sáng lập Softbank. Masayoshi Son gặp Mã Vân với ý định đầu tư vào một công ty Internet tiềm năng, trong khi Jack Ma – với 5 triệu USD vừa có được – lại chẳng cần tiền, mà chỉ muốn chia sẻ tầm nhìn tương lai của mình.
Với bài nói dự định trình bày trong 1 tiếng, Mã Vân mới nói đến phút thứ 6, Masayoshi Son đã ngỏ lời đầu tư 40 triệu USD cho Alibaba, đổi lại 49% cổ phần. Sau những từ chối từ phía Jack Ma, Softbank và nhóm nhà đầu tư cuối cùng rót vào Alibaba 25 triệu USD.
Tháng 12/1999, Alibaba có 890.000 thành viên.
Tháng 9/2000, trong kỳ Tây Hồ Luận Kiếm đầu tiên được tổ chức ở Hàng Châu, Jack Ma tổng kết về những ngày tháng sau 7 năm lập nghiệp đầy khó khăn, những điều tiếng oan uổng mà ông phải gánh chịu.
"Năm 1995 khi bắt đầu làm Internet, mọi người cho rằng tôi là một tên lừa đảo; năm 1997, khi đưa ra Trang vàng Trung Quốc, mọi người lại nghĩ tôi là kẻ điên; còn bây giờ, họ lại cho rằng tôi là một gã khùng.
Vì vậy, đừng để ý đến những điều người khác nói, nếu cho rằng mình đúng, hãy kiên trì làm tiếp. Oan uổng, hiểu lầm là điều rất đỗi bình thường trên Internet".
Tháng 12/2001, Alibaba chạm cột mốc 1 triệu thành viên.
Sức trưởng thành trong nước của Alibaba mạnh như vũ bão, nhưng ở bên ngoài, đối thủ lớn cũng đang tìm cách xâm chiếm thị trưởng tỷ dân. eBay, ông lớn thương mại trên nền tảng C2C (Customer to customer) của Mỹ tiến vào Trung Quốc thông qua việc mua lại một công ty thương mại điện tử.
Jack Ma miêu tả tình cảnh thời kỳ ấy là thảm hoạ trước mắt. "Tôi nhìn qua kính viễn vọng, tận mắt thấy người anh em giống hệt mình mà lại to khoẻ hơn hẳn". Trước tình cảnh này, trong khi "người anh em" chưa biết đến sự tồn tại của mình, Jack Ma quyết định chủ động tấn công eBay, bằng chiến lược chiến thắng đối thủ trên chính trận địa của họ, lấy sự coi thường của họ làm cơ hội cho mình.
Tháng 4/2003, Mã Vân xây dựng TaoBao (tên dựa trên từ Tôi Thích!). Tháng 5/2003, TaoBao trình làng, mang đến điểm khác biệt lớn nhất với eBay dựa trên tôn chỉ: Miễn phí.
Alibaba quyết chi 100 triệu tệ để quảng bá cho TaoBao, nhưng eBay ra tay trước bằng cách độc quyền trên tất cả các kênh quảng cáo lớn bậc nhất Trung Quốc. Jack Ma xoay sang kế hoạch quảng bá "lấy nông thôn bao vây thành thị", xuất hiện dày đặc trên các trang web nhỏ, trong các bộ phim điện ảnh hành động Trung Quốc và kiên trì với chiến lược miễn phí trong 3 năm.
Năm 2003, lúc tiến vào Trung Quốc, CEO eBay từng nói cuộc chiến trên Thị trường thương mại trực tuyến của Trung Quốc sẽ ngã ngũ sau 18 tháng, đồng nghĩa dự báo cả TaoBao và Alibaba chỉ còn tồn tại được trong vòng chưa đầy 2 năm nữa. Kết quả, người thắng trận chiến lại chỉ được xác định sau 3 năm, với cái tên ở bên kia chiến tuyến.
Năm 2004, TaoBao có 4,5 triệu người đăng ký, trao đổi 4,9 triệu sản phẩm dịch vụ, kim ngạch mỗi tháng 160 triệu nhân dân tệ. Năm 2006, TaoBao chiếm 70% phân khúc C2C ở Trung Quốc, bỏ xa eBay. Tháng 12/2006, eBay bán cổ phần, từ bỏ thị trường Trung Quốc, chính thức chịu thua Jack Ma.
Tháng 5/2014, Alibaba nộp bản cáo bạch IPO lên Uỷ ban chứng khoán và Hối đoái Mỹ, công bố con số tổng giao dịch trên "platform bán lẻ Trung Quốc" đạt mức 1.542 tỷ nhân dân tệ (tức 248 tỷ USD). Ngày 19/9/2014, Alibaba chính thức IPO trên sàn New York, vốn hoá 231 tỷ USD, cao hơn cả Amazon và eBay cộng lại.
Từ 18 con người ở ngôi nhà cạnh vườn hoa ven hồ ngày ấy, Jack Ma – với sự kiên trì, thông minh, cùng khả năng nhận thức thị trường thiên phú – đã tạo lập nên một công ty hàng đầu thế giới, biểu tượng của ngành công nghệ và giao thương hiện đại.
Từ mục tiêu lợi nhuận 1 nhân dân tệ, Alibaba chạm tới mốc 28,2 tỷ nhân dân tệ (2016). Từ một công ty bị các đối thủ Mỹ coi thường, Alibaba giờ đây niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ với vốn hoá 470 tỷ USD. Còn Mã Vân, từ anh giáo nghèo chỉ biết kiếm thêm thu nhập từ dịch thuật, giờ đây trở thành tỷ phú giàu có thứ 20 thế giới, với tổng tài sản cá nhân 39,6 tỷ USD.
Dẫu đứng trên đỉnh vinh quang với cả tên tuổi cá nhân lẫn công ty, nhưng ở Jack Ma, người ta vẫn nhìn ra được hình ảnh cậu nhóc dũng cảm, anh giảng viên tận tâm hết lòng vì lời hứa 5 năm bên trong hình ảnh vị tỷ phú có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Ông vẫn thừa nhận mình là tay gà mờ, một gã khờ trong giới công nghệ thông tin, kẻ được cả thế giới xem là nhân tài IT nhưng lại không hiểu gì về IT, là một anh hùng Internet nhưng lại không hiểu gì về Internet.
Với đôi mắt sáng, đôi khi thích buông lời bông đùa với chính vẻ ngoài của mình nhưng biết cách vượt qua mọi cám dỗ để trung thành với lý tưởng, người đàn ông luôn đi chiếc giày vải giờ đây hướng tới tham vọng đưa Alibaba tồn tại qua 102 năm, vượt qua 3 thế kỷ. Dĩ nhiên, đến ngày đó, Jack Ma chẳng còn sống để chứng kiến, nhưng ông vẫn theo đuổi lý tưởng chỉ để "bản thân mình không bao giờ phải cảm thấy hổ thẹn điều gì".
Theo Hạ Minh (Trí thức trẻ)
Tổng số truy cập: 387737548