Pháp Luật - Đầu Tư

Hoàn thiện pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ ở Việt Nam hiện nay

   
(QLNN) – Pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ là cơ sở pháp lý góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, tình huống xung đột lợi ích có xu hướng ngày càng đa dạng, biến đổi không ngừng, do đó, pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ cũng cần có những thay đổi để kịp thời điều chỉnh các tình huống này. Do đó, việc hoàn thiện pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ đòi hỏi phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, đồng thời phải được thực hiện dựa trên những tiêu chí và yêu cầu nhất định.
Lý luận pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ

Theo Lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin thì pháp luật là "Hệ thống các quy tắc xử sự do nhà nước ban hành (hoặc thừa nhận) để thể hiện và thực hiện ý chí của giai cấp thống trị trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội, nhằm tạo ra trật tự và ổn định trong xã hội. Pháp luật là công cụ hữu hiệu nhất để các nhà nước quản lý, thiết lập kỷ cương, tạo ra một xã hội trật tự, ổn định và phát triển1.

Ảnh minh hoạ: Internet

Trong một nghiên cứu vào năm 2005, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã đưa ra định nghĩa xung đột lợi ích như sau: "Một xung đột lợi ích bao gồm xung đột giữa công vụ và lợi ích cá nhân của công chức, trong đó lợi ích từ năng lực cá nhân của công chức có thể ảnh hưởng không đúng đến việc thực hiện những nhiệm vụ và trách nhiệm chính thức của họ2.

Trên thực tiễn, để kiểm soát xung đột lợi ích đạt hiệu quả, thì Nhà nước phải ban hành các quy định pháp luật để nhận diện, phòng ngừa và xử lý các tình huống xung đột lợi ích, nhằm phát hiện, ngăn chặn, giải quyết các tình huống xung đột lợi ích. Đồng thời, pháp luật xác định rõ tình huống nào là xung đột lợi ích, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và trình tự, thủ tục, chế tài xử lý hành vi vi phạm quy định về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ.

Trong các văn bản pháp luật hiện hành của Việt Nam, chưa có khái niệm pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ. Từ lý luận nêu trên và thực tiễn công tác kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ có thể hiểu pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ là "Hệ thống các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận để điều chỉnh những quan hệ xã hội phát sinh trong việc nhận diện, phòng ngừa, phát hiện và trình tự, thủ tục, chế tài xử lý xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ”.

Trong thực tiễn cuộc sống xã hội hiện nay, pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ là cơ sở pháp lý góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, tình huống xung đột lợi ích có xu hướng ngày càng đa dạng, biến đổi không ngừng, do đó, pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ cũng cần có những thay đổi để kịp thời điều chỉnh các tình huống này.

Nói cách khác, việc hoàn thiện pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ là yêu cầu tất yếu, đòi hỏi phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, đồng thời phải được thực hiện dựa trên những tiêu chí và yêu cầu nhất định.

Hoàn thiện pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ là "Quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nhau song dựa trên những vấn đề mang tính nguyên tắc chung, nhằm làm cho các quy định của pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ ngày càng công khai, minh bạch, toàn diện, thống nhất, đồng bộ, khả thi phù hợp với thực tiễn kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ của đất nước”.

Để hoàn thiện pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ, cơ quan chức năng nhà nước phải nhận diện được các tình huống xung đột lợi ích, đánh giá được thực trạng pháp luật thông qua việc hệ thống hóa các quy định pháp luật có liên quan cũng như hiệu quả áp dụng các quy định đó trên thực tế.

Nhìn từ góc độ lý luận và thực tiễn, pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ có vai trò rất quan trọng trong việc đưa các chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, cụ thể như sau:

Thứ nhất, pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ góp phần thể chế hóa các chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước

Nhà nước thể chế hóa các chủ trương, đường lối của đảng về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ thành pháp luật để việc kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ trở thành các quy tắc xử sự có tính bắt buộc với mọi cá nhân, tổ chức có liên quan và được thực hiện một cách thống nhất trên quy mô toàn xã hội. Qua đó, góp phần kiềm chế, giám sát, hạn chế sự lạm dụng quyền lực của những người có chức vụ, quyền hạn và tham nhũng trong bộ máy Nhà nước do đảng thiết lập và lãnh đạo, từ đó bảo vệ uy tín của đảng và giữ gìn sự ổn định của chế độ chính trị mà trong đó  đảng đóng vai trò nòng cốt.

Mặt khác, pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ là phương tiện quan trọng để đảng giám sát các chủ trương, chính sách của mình về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng. Trên cơ sở quá trình triển khai thực hiện pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ, Nhà nước sẽ tiếp nhận các ý kiến phản hồi từ người dân để có sự sửa đổi, bổ sung pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống xã hội.

Thứ hai, pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ góp phần tạo lập cơ sở pháp lý quan trọng để kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ

Pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động cộng vụ sẽ quy định một cách cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, cơ cấu tổ chức của các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý hành vi vi phạm quy định về phòng  chống xung đột lợi ích. Đồng thời, là biện pháp bảo vệ những người tích cực tham gia vào công tác phòng, chống xung đột lợi ích, xử lý những trường hợp bao che, thiếu tích cực trong phòng, chống xung đột lợi ích trong hoạt  động công vụ góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tham nhũng.

Trên cơ sở quy định pháp luật, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hiểu rõ thẩm quyền, trách nhiệm của mình trong việc ra quyết định trong hoạt động công vụ, nhất là trong các tình huống có thể có xung đột lợi ích. Là cơ sở để người dân, các tổ chức xã hội và cơ quan báo chí có thể tham gia phòng, chống xung đột lợi ích trong hoạt động của bộ máy nhà nước một cách chủ động, tích cực và hiệu quả, thông qua nhiều cách thức khác nhau, hoặc thực hiện quyền giám sát đối với các hoạt động của các cơ quan nhà nước nhằm phát hiện các hành vi vi phạm các quy định về xung đột lợi ích.

Thứ ba, pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ góp phần thúc đẩy sự công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của bộ máy nhà nước, từ đó tăng cường niềm tin của người dân vào sự liêm chính của cơ quan nhà nước

Xét về lý thuyết, nếu thực hiện tốt việc công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình thì xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ sẽ được kiểm soát tốt. Bởi vì, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình tạo điều kiện để các cơ quan nhà nước khác và người dân cũng như toàn xã hội tham gia giám sát việc tuân thủ pháp luật về lĩnh vực này. Đồng thời, thực hiện tốt công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình sẽ giúp ngăn ngừa, phát hiện và xử lý những vi phạm pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ.

Bên cạnh đó, pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ cũng quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cán bộ khi có yêu cầu hoặc theo quy định phải giải trình với cơ quan cấp trên, với các cơ quan có liên quan và với công luận về các vấn đề mà cơ quan, tổ chức, cán bộ phụ trách. Qua đó, làm cho người dân tin vào sự công tâm, liêm chính của cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan hành chính Nhà nước.

Thứ tư, pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước và phòng, chống tham nhũng

Qua nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển của Nhà nước đã chứng minh rằng: quyền lực nhà nước luôn có xu hướng bị lạm dụng bởi những người nắm giữ nó. Về mặt bản chất, sự lạm dụng quyền lực nhà nước chính là hành vi tham nhũng. Để kiểm soát quyền lực nhà nước và phòng, chống tham nhũng, cần áp dụng đồng thời nhiều biện pháp, trong đó có việc ngăn ngừa và xử lý xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ.

Kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ chính là xoá bỏ những rủi ro tiềm tàng dẫn tới lạm dụng quyền lực nhà nước và tham nhũng, bởi khi xung đột lợi ích không bị kiểm soát, thì người có chức vụ, quyền hạn có thể sử dụng quyền lực của mình để ban hành quyết định hoặc chi phối, ảnh hưởng đến việc ban hành quyết định một cách tuỳ tiện, làm tổn hại đến lợi ích công. Đây chính là lý do mà trong các văn bản pháp luật về kiểm soát quyền lực nhà nước và phòng, chống tham nhũng thường có các quy định về xoá bỏ xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ.

Thông thường, các quy định đó thể hiện dưới dạng nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức phải công khai hóa các mối quan hệ liên quan khi thực thi công vụ, phải chịu sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền cũng như các chế tài pháp lý tương ứng nếu không tuân thủ nghĩa vụ.

Thực trạng của pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ ở Việt Nam hiện nay

Hiện nay, khung pháp lý chung về kiểm soát xung đột lợi ích được quy định trong một số luật, nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đặc biệt, là tại Khoản 3, Điều 73 của Hiến pháp 2013 có quy định "... Thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội không thể đồng thời là thành viên Chính phủ”, có thể xem đây là nội dung nhằm kiểm soát xung đột lợi ích thông qua quy định cấm các thành viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng thời là thành viên Chính phủ.

 

Những đạo luật hiện hành quy định về xung đột lợi ích và kiểm soát xung đột lợi ích nói chung trong hoạt động công vụ có thể kể đến là: Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, Luật Cán bộ, công chức 2008, Luật Viên chức 2010, Luật Đấu thầu 2013, Luật Thanh tra 2010, Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Kiểm toán 2014, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Trước đây pháp luật Việt Nam chưa có khái niệm về xung đột lợi íchtrên cơ sở đó nhận diện xung đột lợi íchvà chưa có những quy định cụ thể về kiểm soát xung đột lợi ích. Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 lần đầu tiên nêu ra khái niệm về xung đột lợi ích thể hiệnở khoản 9, Điều 3 "Xung đột lợi ích là tình huống mà trong đó lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn hoặc người thân thích của họ tác động hoặc sẽ tác động không đúng đắn đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ”. Khái niệm này cơ bản đã thống nhất với cách hiểu hiện nay trên bình diện quốc tế.

Cụ thể, khái niệm này đã bám sát khái niệm về xung đột lợi ích được nêu trong Công ước về chống hối lộ công chức nước ngoài trong giao dịch quốc tế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development – OECD) đã được nhiều nước trên thế giới thừa nhận.

Trong những năm qua Việt Nam đã từng bước xây dựng được một hệ thống quy địnhpháp luật liên quan đến kiểm soát xung đột lợi ích, mặc dù vẫn còn những hạn chế nhất định, song cơ bản đã hình thành cơ sở pháp lý cho việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý xung đột lợi ích theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc phòng chống tham nhũng (United Nations Convention against Corruption – UNCAC) và trong thực tế đã phát huy tác dụng là công cụ kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ, góp phần phòng, chống tham nhũng, bảo đảm tính khách quan, liêm chính trong hoạt động công vụ.

Khuôn khổ pháp luật hiện hành của Việt Nam đã quy định về các nhóm biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ mà nhiều quốc gia đã và đang áp dụng thành công, trong đó đặc biệt là hai nhóm quy định về công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và quy định về hạn chế lợi ích cá nhân của cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ.

Đối với các nhóm quy định về giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức về chính sách phòng ngừa xung đột lợi ích cho cán bộ, công chức, viên chức và huy động sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân, truyền thông và các tổ chức xã hội trong việc giám sát tuân thủ các quy định về xung đột lợi ích, mặc dù pháp luật Việt Nam chưa có những văn bản và quy định riêng, song có thể tìm thấy những nội dung này trong các quy định chung về giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức về chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, và về vai trò, trách nhiệm và huy động sự tham gia của xã hội vào phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ ở Việt Nam hiện nay vẫn còn những hạn chế nhất định, đó là:

1) Pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ còn thiếu tính toàn diện khi chưa dự liệu đầy đủ các tình huống để kiểm soát  xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ, như: thiếu quy định về công khai hoạt động của người có chức vụ, quyền hạn; quy định về hạn chế lợi ích cá nhân của cán bộ, công chức, viên chức còn chưa đầy đủ; một số quy định về phát hiện, xử lý xung đột lợi ích còn bất cập, cụ thể:

Pháp luật hiện hành chưa có quy định về công khai việc làm thêm, việc làm sau khi nghỉ hưu của cán bộ, công chức, viên chức, trong khi xung đột lợi ích thường thể hiện thông qua những hoạt động này.

Pháp luật hiện hành đã có quy định về những hạn chế lợi ích cá nhân của cán bộ, công chức, viên chức, như: về việc quà tặng, việc làm thêm, việc làm sau khi nghỉ hưu, tuy nhiên chưa có quy định hạn chế hoặc kiểm soát đối với các thành viên mở rộng của gia đình và những người thân thích khác như bạn bè của cán bộ, công chức, viên chức…

Trong khi đó, thực tế cho thấy những hành vi có lợi cho cán bộ, công chức, viên chức thường được thực hiện bởi chính những thành viên trong gia đình cán bộ, công chức, viên chức hoặc bạn bè thân tình của cán bộ, công chức, viên chức thông qua những doanh nghiệp "sân sau” hoặc qua việc biết trước thông tin. Sự thiếu hụt này tạo cơ sở tồn tại cho một số dạng xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

Pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định rõ ràng về trách nhiệm của cơ quan nhà nước và xã hội trong việc phát hiện xung đột lợi ích. Chủ yếu việc xử lý xung đột lợi ích được lồng ghép vào việc thi hành các quy định về phòng, chống tham nhũng và được giao cho nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện, hoàn toàn không có quy định nào chuyên sâu về vấn đề kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ.

Cải cách thể chế, nhóm lợi ích và bè cánh. (Ảnh minh họa trên Tapchitaichinh.vn)

2) Một số quy định pháp luật hiện hành về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ thiếu phù hợp, còn chung chung và thiếu tính khả thi, cụ thể như:

Quy định về kiểm soát quà tặng còn hình thức, chưa làm rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc tiếp nhận và xử lý kịp thời báo cáo về quà tặng của cán bộ, công chức, viên chức; chưa có quy định rõ về chế tài xử lý vi phạm cho hành vi này. Theo pháp luật hiện hành mới chỉ có yêu cầu cơ quan và đơn vị xử lý việc tặng quà phải thông báo cho các cơ quan, đơn vị quản lý người tặng quà "để xem xét và xử lý”, tuy nhiên chưa quy định quy trình xử lý cụ thể cho hành vi này.

Bên cạnh đó, quy định về minh bạch tài sản tuy khá bài bản nhưng hiện chưa làm rõ những lợi ích cá nhân tài chính là nguy cơ xung đột lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức, cụ thể như: Tình trạng chân trong, chân ngoài của cán bộ, công chức, viên chức; tình trạng "cò” đất đang diễn ra hàng ngày đối với cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong các ngành như tài nguyên môi trường, địa chính, thanh tra,…; tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gia đình, người thân, quen làm ăn, kinh doanh,…

Một câu hỏi mà nhân dân đặt ra cho cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước mà chưa có câu trả lời, đó là với mức lương hiện tại ở Việt Nam của cán bộ, công chức, viên chức làm sao có nhiều tiền để mua nhiều đất, xây nhà lầu, mua xe hơi hạng sang ?…

Quy định về công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn đã được củng cố đáng kể trong Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018, là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc hạn chế lợi ích cá nhân của cán bộ, công chức, viên chức, tuy nhiên quy định pháp luật vẫn còn sơ sài, chưa đủ mạnh để hạn chế hành vi vi phạm của người có chức vụ, quyền hạn.

Bên cạnh đó, việc giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của xã hội vào việc giám sát xung đột lợi ích hiện vẫn chưa có quy định riêng mà mới chỉ được lồng ghép trong các quy định chung về giáo dục, làm cho hiệu quả của công tác tuyên truyền bị giảm đi rất nhiều.

3) Pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ còn tản mạn, thiếu các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành về phát hiện và xử lý xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ

So với nhiều quốc gia trên thế giới, pháp luật của Việt Nam về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ cũng tương đối đầy đủ, song chất lượng quy định giữa các nhóm còn thiếu đồng đều.

Ví dụ như: trong khi nhóm quy định về công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn đã được củng cố đáng kể trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và hiện đã khá hợp lý thì nhóm quy định về hạn chế lợi ích cá nhân của cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ vẫn còn tương đối sơ sài. Công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ có khá sơ sài, thiếu hiệu quả.

Những hạn chế nêu trên đã góp phần làm giảm hiệu quả tổng thể của pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ ở Việt Nam hiện nay.

Giải pháp hoàn thiện pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ ở Việt Nam trong thời gian tới

Một là, tiến hành rà soát, hệ thống hóa, tổng kết, đánh giá các văn bản pháp luật hiện hành liên quan đến kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ

Bước đầu, pháp luật đã có khái niệm về xung đột lợi ích được quy định tại Khoản 8 Điều 3 và quy định về kiểm soát xung đột lợi ích tại Điều 23 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, có thể xem đây là khung pháp lý quan trọng trong việc kiểm soát xung đột lợi ích (nói chung) và kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ (nói riêng). Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì hệ thống pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ của Việt Nam hiện nay vẫn còn khá nhiều bất cập, hạn chế, cần được tiếp tục rà soát, hệ thống hóa, tổng kết, đánh giá, qua đó phát hiện những khoảng trống và những bất cập, hạn chế để sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện.

Từ lý luận và thực tiễn, Chính phủ có thể giao nhiệm vụ nghiên cứu, tổng kết đánh giá thực trạng pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ cho một số cơ quan nhà nước thực hiện hoặc đồng thực hiện, cụ thể như: Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp,…

Việc rà soát, đánh giá cần sử dụng các quy định có liên quan của UNCAC, lý thuyết, cách tiếp cận và quy định trong pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích của một số quốc gia được xem là thành công trong vấn đề này làm tiêu chí so sánh.

Hai là, cần có sự quyết liệt trong việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ

Từ thực tiễn cho thấy, cần việc sửa đổi, bổ sung các quy phạm pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích để đảm bảo tính toàn diện, phù hợp, công khai, minh bạch, khả thi là rất cần thiết và cấp bách, cụ thể như: bổ sung tiêu chí nhận diện các tình huống xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ; nguyên tắc phòng tránh và xử lý xung đột lợi ích; các quy định về phòng ngừa xung đột lợi ích; các quy định nhằm phát hiện xung đột lợi ích và các quy định về xử lý xung đột lợi ích.

Hiện tại, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã có định nghĩa về "xung đột lợi ích” và quy định về kiểm soát xung đột lợi, nhưng chưa có các tiêu chí nhận diện tình huống xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ. Từ đó, dẫn đến sự thiếu thống nhất trong cách hiểu và gây khó khăn trong việc nhận diện tình huống, đưa ra nguyên tắc, hình thức, thẩm quyền xử lý vi phạm về xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ. Do đó, bên cạnh định nghĩa xung đột lợi ích được quy định tại khoản 8, Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018, cần bổ sung một số quy định về tiêu chí nhận diện xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ để pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ được hoàn thiện và đảm bảo tính khả thi trong thực tế.

Nguyên tắc phòng tránh và xử lý xung đột lợi ích đó chính là khi một cán bộ, công chức, viên chức có một lợi ích xung đột hoặc có cơ sở hợp lý cho rằng có xung đột với việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của họ thì người đó phải rút khỏi lợi ích đó, rút khỏi nhiệm vụ, công vụ đang thực hiện hoặc báo cáo với người có thẩm quyền về nguy cơ xung đột đó để có biện pháp xử lý phù hợp.

Việc thiếu vắng các quy định về xử lý vi phạm hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm các quy định về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ hiện nay là một khoảng trống pháp lý. Do đó, pháp luật xử lý vi phạm hành chính cần thiết phải bổ sung các hành vi vi phạm phải chịu chế tài liên quan đến kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ.

Ba là, cần nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân về xung đột lợi ích và phát huy vai trò của xã hội trong phòng ngừa, ngăn chặn xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ

Thực tế cho thấy nhận thức, hiểu biết của cán bộ, công chức, viên chức và người dân xung đột lợi ích và pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích vẫn còn nhiều hạn chế. Có thể là do công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn chưa đạt yêu cầu.

Do đó, các cơ quan chức năng cần xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai kết hợp lồng ghép tình huống xung đột lợi ích cụ thể và kiến thức về phương thức phát hiện, phòng ngừa, giải quyết xung đột lợi ích vào kế hoạch phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là nghiên cứu đưa vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức các nội dung về phát hiện, phòng ngừa, ứng phó các tình huống xung đột lợi ích và có thể xem đây là nội dung bắt buộc trong hoạt động tuyển dụng, bổ nhiệm và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của các cơ sở đào tạo và cơ quan hành chính Nhà nước và doanh nghiệp của nước ta.

Thêm vào đó, cần tạo điều kiện và hướng dẫn các tổ chức xã hội, các cơ quan báo chí và các cơ sở học thuật đóng góp vào việc kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ thông qua các chương trình nghiên cứu, vận động, tuyên truyền, giáo dục và giám sát thực thi pháp luật về vấn đề này.

Bốn là, cần bảo đảm các điều kiện để hoàn thiện pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ

Cần đảm bảo nguồn lực để thực hiện việc hoàn thiện pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ như: số lượng, chất lượng, năng lực, trình độ, tinh thần trách nhiệm của người trực tiếp tham gia vào công tác xây dựng văn bản pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ. Cần có chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng bố trí cán bộ giỏi tham gia vào những hoạt động này.

Cần bảo đảm bố trí đầy đủ, kịp thời kinh phí thực hiện hoạt động xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ. Từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc và các điều kiện khác cho công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật nói chung, trong đó có pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ.

Năm làtiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong xây dựng và thực hiện pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ

Có thể nói, kiểm soát xung đột lợi ích nói chung và kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ nói riêng là tương đối mới mẻ đối với Việt Nam, do đó việc tranh thủ các kinh nghiệm của một số nước trên thế giới đã thành công trong công tác này là rất cần thiết. Đặc biệt, là trong lĩnh vực lập pháp về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ.

Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã hợp tác với các tổ chức chính phủ, phi chính phủ của một số nước trên thế giới và các tổ chức quốc tế đã đem lại cho Việt Nam những nguồn lực, kinh nghiệm trong việc nghiên cứu, xây dựng và áp dụng pháp luật vào thực tiễn; đặc biệt, là các dự án, chương trình như: nhân rộng sáng kiến phòng, chống tham nhũng, đối thoại phòng, chống tham nhũng, vấn đề kiểm soát xung đột lợi ích trong khu vực công…

Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc tham gia các chương trình, sáng kiến, diễn đàn quốc tế về phòng, chống tham nhũng nói chung, kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ nói riêng trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc của nhau, bình đẳng và cùng có lợi. Đặc biệt, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lập pháp về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ bởi đây là vấn đề còn tương đối mới so với những vấn đề khác liên quan đến phòng, chống tham nhũng.

Chú thích:
1. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Nhà nước và Pháp luật, Giáo trình Nhà nước và pháp luật Việt Nam. NXB Lý luận Chính trị. H.2018.
2. OECD, Managing Conflic of Interest in the Public Sector – A Toolkit. "A conflict of interest involves a conflict between the public duty and the private interest of a public official, in wich the official’s private-capacity interest could improperly influence the performance of their official duties and responsibilities”, 2005.
Luật gia – ThS. Lê Quang Kiệm
Thanh tra tỉnh Đồng Nai
Theo https://www.quanlynhanuoc.vn
Hoc tap Bac
Quảng cáo 2
mua xuan
law
lawww
HOANG THANH
Tin xem nhiều
Thống kê truy cập
Đang online: 1
Tổng số truy cập: 387727239